Những lưu ý với nhà đầu tư Hà Nội khi mua BĐS Tp.HCM trong năm 2018

04:37 PM 24/01/2018

Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho rằng, điểm cần lưu ý với các nhà đầu tư Hà Nội là thị trường nhà ở tại Tp.HCM có nhiều lợi thế và thường dẫn đầu xu hướng.

Hà Nội và Tp.HCM là 2 thành phố lớn nhất của Việt Nam và có những nét đặc trưng rất khác biệt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Với lĩnh vực bất động sản, hai thành phố này cũng có một số điểm khác biệt nhất định. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa PV với ông Dương Đức Hiển, GĐ bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội về những điểm khác biệt này.

- Theo ông, điểm khác biệt rõ nhất giữa thị trường nhà ở Hà Nội và Tp.HCM là gì?

Theo tôi, khác biệt trong thói quen tiêu dùng của người miền Bắc và người miền Nam là điểm thấy rõ nhất. Cụ thể, nếu người miền Bắc thích mua nhà để làm tài sản lâu dài thì ngược lại, giới đầu tư và doanh nghiệp phía Nam lại kinh doanh và tiêu dùng thoáng hơn nhiều.

Chẳng hạn, cách đây khoảng 10 năm người Sài Gòn đã bắt đầu quen với việc vay vốn tại các ngân hàng để mua nhà thì tại Hà Nội rất hiếm khách hàng mua nhà bằng đòn bẩy tài chính. Theo đó, người dân phía Bắc nói chung hay Hà Nội nói riêng vẫn mua nhà nếu có đủ khả năng tài chính chứ không xuống tiền mua nếu vượt quá khả năng chi trả. Đây là thói quen thể hiện tư tưởng an toàn của người Hà Nội, và chỉ vài năm gần đây thói quen này mới thay đổi khi người mua dần hiểu hơn về đòn bẩy tài chính cũng như lợi ích từ việc vay vốn ngân hàng để mua nhà và cách sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.

Có thể dẫn một ví dụ điển hình khác là việc người Hà Nội không đánh giá cao nhà chung cư trong những năm trước. Khoảng 5 -10 năm trước đây, người miền Bắc chưa quen với giao dịch chung cư mà chỉ biết đến 2 khái niệm sản phẩm trên thị trường đó là "nhà liền thổ" (bất động sản có tài sản gắn liền với đất) và nhà tập thể. Đương nhiên, tư tưởng ưu ái nhà liền thổ đã bám rễ vào tâm trí người miền Bắc bởi theo họ dù theo thời gian tài sản trên đất có hao mòn thì về lâu dài mảnh đất đó vẫn còn giá trị. Đối với mô hình chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp, để người dân Thủ đô tham gia thị trường sẽ phải mất một thời gian dài làm quen và hiểu giá trị của mô hình nhà ở mới mẻ này. Đây cũng là lý do giải thích vì sao trong suốt một thời gian dài, thị trường Hà Nội chỉ tập trung phát triển các dự án thấp tầng. Trong vòng 4 năm trở lại đây, phân khúc căn hộ mới thực sự nở rộ.

Trong khi đó, tại Tp.HCM, thị trường nhà ở vẫn phát triển cùng lúc cả nhà thấp tầng và cao tầng. Thực tế này ngoài lý do khách hàng miền Nam có quan niệm tân tiến hơn còn có sự tác động của các thương hiêu quốc tế khi gia nhập thị trường Việt Nam đã luôn lựa chọn Tp.HCM là điểm đến đầu tiên chứ không phải Hà Nội.

Thị trường bất động sản Tp.HCM
Thị trường bất động sản Tp.HCM có một số lợi thế tốt hơn Hà Nội. Ảnh minh họa

- Như vậy cũng có nghĩa là thị trường bất động sản Tp.HCM luôn đi trước so với Hà Nội?

Điều này cũng không hoàn toàn đúng.

Trước nay, không chỉ là một thành phố lớn và nhộn nhịp, Tp.HCM cũng là trung tâm thu hút nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Hiện nay, Tp.HCM cũng được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Lợi thế to lớn này đã giúp thị trường nhà ở Tp.HCM đi đầu trong một số xu hướng. Chẳng hạn như xu hướng mở rộng đầu tư đến những khu vực mới trên địa bàn thành phố, đổi mới cải tiến sản phẩm kết hợp với các tiện ích để đáp ứng nhu cầu của người ở, phát triển nhà mẫu và trung tâm bán hàng để thu hút khách hàng...Những xu hướng đi trước này của Tp.HCM đều là những điều mà thị trường nhà ở Hà Nội hiện nay đã và đang học hỏi, ứng dụng.

Tuy vậy, không thể phủ nhận, thị trường Hà Nội vẫn có những nét đặc thù rất riêng biệt. Chằng hạn, khu vực 4 quận nội đô lịch sử bị giới hạn chiều cao công trình do các yếu tố văn hóa và bảo tồn. Đây chính là yếu tố buộc thị trường nhà ở Hà Nội phải có một hướng đi riêng, khác biệt với Tp.HCM. Do đó, không đủ cơ sở để đánh giá thị trường Hà Nội đi sau Tp. HCM.

- Theo ông, hai thị trường nhà ở là Hà Nội và Tp.HCM trong năm 2017 có những điểm nào tương đồng và khác biệt? Điều gì tạo nên sự khác biệt này?

Cả hai thị trường đều ghi nhận một năm khá ổn định. Trong đó, phân khúc căn hộ tầm trung vẫn chiếm nhu cầu lớn trên thị trường, trong khi lượng giao dịch căn hộ hạng A có sự cải thiện đáng kể. So với năm 2016, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc biệt thự và nhà liền kề cũng ghi nhận mức cải thiện đáng kể.

Có thể thấy một điểm tương đồng nữa ở hai thị trường này đó là cả hai đều đang có bước đi mở rộng rất lớn với tốc độ đô thị hóa tăng rất nhanh. Chính quyền địa phương ở hai thành phố cũng đều có định hướng phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kết nối để đáp ứng kịp nhu cầu phình to của lượng cư dân tăng nhanh. Đây cũng chính là một trong những bước đệm giúp thu hút các nhà đầu tư bất động sản, và đương nhiên những dự án nhà ở trên địa bàn thành phố cũng được hưởng lợi.

Ngoài các điểm tương đồng, thị trường nhà ở Hà Nội và Tp.HCM cũng có một số nét phát triển khác biệt. Nếu nhìn lại năm 2017 sẽ thấy phân khúc nhà giá rẻ Tp.HCM đã có những bước đi trước Hà Nội. Đây vẫn là phân khúc chiếm được sự quan tâm rất lớn của thị trường do đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân. Trong năm qua, Tp.HCM sở hữu số lượng dự án nhà ở thương mại giá rẻ lớn hơn Hà Nội, các chủ đầu tư tham gia sổi nổi hơn với các sản phẩm được cải tiến về chất lượng. Động thái này của chủ đầu tư Tp.HCM nhằm thu hút khách hàng, gạt bỏ quan niệm giá rẻ đi đôi với chất lượng thấp trước đây. Trong khi đó, Hà Nội lại chậm chân hơn khi thị trường nhà giá rẻ chỉ có một vài gợn sóng trước thông tin một số chủ đầu tư lớn hứa hẹn tham gia vào phân khúc này.

Một điểm khác biệt nữa là nếu phân khúc đất nền tại Tp.HCM ghi nhận hoạt động khá tốt thì tại Hà Nội, đây là phân khúc chưa tạo được chú ý bởi thị trường vẫn mải chạy theo các sản phẩm khác như căn hộ, biệt thự và nhà liền kề. Các sản phẩm này được phát triển nhiều trong khu vực nội thành - nơi vẫn có nguồn cung khá dồi dào.

- Ông có dự báo gì với hai thị trường nhà ở lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018 cũng như trong tương lai xa hơn? Thêm khác biệt hay dần đồng hóa?

Thị trường nào cũng có đặc thù riêng, do đó việc kỳ vọng một hướng đi chung cho cả hai thị trường lớn như Hà Nội và Tp.HCM là không thể. Tôi cho rằng không nên nhìn nhận sự khác biệt của hai thành phố theo hướng tách biệt mà hãy xem đây là những nét hấp dẫn và thu hút của hai thị trường đối với các chủ đầu tư và khách hàng.

Nhưng nhìn chung, không thể phủ nhận thị trường nhà ở tại Tp.HCM vẫn có những lợi thế và thường dẫn đầu xu hướng. Các khách hàng và chủ đầu tư ở thị trường Hà Nội nên lưu ý điểm khác biệt này. Với tầm nhìn của mình, các nhà đầu tư miền Bắc hoàn toàn có thể lựa chọn đầu tư vào các dự án tại Tp.HCM. Đương nhiên đó phải là những dự án sở hữu những yếu tố ưu việt hơn, phù hợp hơn với mục đích đầu tư của mình, so với các dự án ở thị trường Hà Nội. Mặt khác, chủ đầu tư cũng có thể học hỏi những xu hướng tân tiến hơn tại thị trường nhà ở Tp.HCM để áp dụng cho các dự án ở Hà Nội. Đó là: phát triển dự án một cách bài bản và quy củ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ trước khi đến tay khách hàng để được thị trường chào đón tốt hơn.

(Theo Trí thức trẻ)