Condotel khó đạt được mức lợi nhuận 15%

08:22 AM 06/08/2018

Vì chưa có pháp lý rõ ràng và việc phân chia lợi nhuận cũng như thực hiện khai thác sản phẩm còn nhiều vướng mắc nên bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận có sụt giảm mạnh trong năm 2018.

Giao dịch condotel đột nhiên giảm mạnh

Tỏ ra sôi động và thu hút mạnh các nhà đầu tư trong 2 năm trở lại đây, song, giao dịch condotel tại phân khúc bất động sản du lịch đột nhiên có sự giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018, nhất là ở thời điểm quý II. Theo số liệu Báo cáo tình hình giao dịch bất động sản quý II/2018 được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố, thị trường Đà Nẵng không có thêm một dự án condotel mới nào trên thị trường và số lượng condotel giao dịch thành công trong quý cũng chỉ khoảng 300 căn.

Thực tế này theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản là thuận theo quy luật cung - cầu của thị trường. Do đó, một khi thị trường cần có sự thanh lọc, điều chỉnh thì ắt hoạt động cũng sẽ chậm lại. Song, quá trình nở rộ nhanh chóng nhưng cũng lắng xuống rất nhanh của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại là một trong những tín hiệu bất thường mà các nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng.

 condotel.
Cơ sở pháp lý là một trong những điểm khó của các dự án condotel.

Cục phó nói: “Các nhà đầu tư hiện cũng rất quan tâm tới động thái từ phía cơ quan quản lý. Hiện nay địa phương đã tạm dừng cho đầu tư vào condotel để chờ cơ sở pháp lý”.

Nhằm ngăn chặn tình trạng bong bóng trên thị trường, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách điều tiết về thuế, tín dụng cũng như luật pháp và cơ chế chính sách pháp lý cho đầu tư bất động sản du lịch biển sẽ rõ ràng hơn trong thời gian ngắn tới. Các quy định đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch rõ ràng hơn cũng sẽ được Bộ Xây dựng trình trong thời gian sớm nhất. Xét về dài hạn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, ông Khởi cho biết thêm.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang có cam kết về lợi nhuận quá cao

Không phải là một vấn đề mới, việc các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đưa ra cam kết lợi nhuận quá cao và khó có thể thực hiện lời hứa với khách hàng vốn đã được được đặt ra từ lâu, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay. Ông nói: “Lợi nhuận hấp dẫn khách hàng, nhưng việc đặt cam kết lợi nhuận quá cao, lên tới 12-15 % là quá khó khăn. Không phải nơi nào cũng đạt hiệu quả đặt phòng cao. Lợi nhuận của condotel và du lịch biển phụ thuộc từ khách thuê phòng mà đây cũng là phân khúc có sự cạnh tranh cao”.

Đồng thời, ông Hà bổ sung thêm, rất cần có những cảnh báo được đưa ra cho khách hàng, bởi, tham gia vào đầu tư ắt sẽ có quyền lợi nhưng cũng không thể tránh được những rủi ro kinh doanh và lợi nhuận cũng sẽ tỷ lệ thuận với rủi ro. Phương án cam kết lợi nhuận cao hiện đã không còn được một số chủ đầu tư sử dụng, mà họ chuyển hướng thu hút khách hàng bằng cách đầu tư mạnh vào chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng quản lý dự án. Phương án này được ông Hà đánh giá là rất hợp lý trong điều kiện hiện nay.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản biển cũng kéo theo đòi hỏi về tính chuyên nghiệp của các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lúc này cần phải xác định được rõ ràng về mô hình đầu tư cụ thể, tính toán được hiệu quả kinh doanh chứ không phải là chạy theo phong trào như trước vì sẽ khó thu được lợi nhuận tốt.

Hạ tầng, “đòn bẩy” thiết thực cho bất động sản nghỉ dưỡng

Bất động sản nghỉ dưỡng có sự sụt giảm đáng kể trong thời gian qua được xem là bài học để cả nhà phát triển dự án lẫn nhà đầu tư phải nhìn lại, tìm ra chiến lược hiệu quả, phù hợp hơn. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng rất lớn, bởi, nó mới ở trong giai đoạn định hình và dần trở nên chuyên nghiệp.

bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo bà Dương Thùy Dung, cơ sở hạ tầng kết nối chính là
đòn bẩy thiết thực của
bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cơ sở hạ tầng kết nối là một trong những yếu tố không thể thiếu để một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng có thể phát triển được. Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều yếu tố như hàng không, đường bộ và đường biển; song, kết nối của đường biển hiện vẫn chưa thực sự tốt.

Để chứng minh cho thực tế này, bà Dung nói thêm: “Việc kết nối thông qua đường hàng không là một yếu tố quan trọng để xác định một thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiềm năng. Đi từ Bắc vào Nam, thị trường Quảng Ninh sắp có sân bay Vân Đồn. Đây sẽ là một cú huých cho bất động sản ở đây. Quảng Ninh hiện đã có một lượng khách quốc tế rất lớn, tuy nhiên chủ yếu đến bằng đường bộ”.

Còn đối với các thị trường du lịch nghỉ dưỡng khác như Quy Nhơn, Phú Yên, theo bà Dung vẫn đang bị thiệt thòi, bởi, chưa có sân bay quốc tế. Thậm chí, do tiêu chuẩn về đường điện không đảm bảo nên giờ bay muộn nhất trong ngày tại sân bay ở Phú Yên là 16h. Dù là thị trường có nhiều tiềm năng, song, hai thị trường này vẫn chưa thể phát triển được.

Sự mở rộng sân bay với sự kết nối giữa các đường bay cùng quy hoạch phát triển và nhiều ưu ái từ thiên nhiên, hứa hẹn Quy Nhơn và Phú Yên sẽ phát triển trong tương lai gần, bà Dung nhận định.

Con số tăng trưởng của du lịch Việt Nam liên tục có sự ấn tượng trong suốt thời gian qua, đạt từ 30-40 %/năm. Lượng khách du lịch nội địa trong năm 2017 là trên 73 triệu lượt, khách quốc tế là 12,9 triệu lượt. Đến năm 2020, dự báo lượng khách du lịch trong và ngoài nước sẽ cán mốc 100 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế sẽ là khoảng 20 triệu lượt, ghi nhận giá trị xuất khẩu du lịch đạt trên 20 tỷ USD, số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch đã kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại tại các khu vực ven biển của nước ta.

(Theo VOV)
 
  • Facebook
  • Google