Tay xòe & nắm đấm

04:58 PM 23/03/2015

Theo Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh Hà Nội, từ nay đến năm 2030, TP sẽ duy trì và phát triển hệ thống cây xanh hiện có trên cơ sở khai thác những lợi thế và tiềm năng hiện có.

Theo Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh Hà Nội, từ nay đến năm 2030, TP sẽ duy trì và phát triển hệ thống cây xanh hiện có trên cơ sở khai thác những lợi thế và tiềm năng hiện có. Chỉ tiêu cây xanh đô thị/đầu người cũng được đặt ở mức rất khả quan: trung bình 18,1m2/người. Trong đó khu vực đô thị Trung tâm Nam Sông Hồng sẽ đạt 15,3m2/người; chuỗi đô thị Bắc Sông Hồng 26m2/người; chuỗi đô thị Đông vành đai 4 đạt 27,4m2/người...

Bản quy hoạch cũng nêu rõ tiêu chí cây xanh để trồng trên các tuyến phố cũng như chủng loại cây phù hợp với từng môi trường như cây có thể chịu được gió bão, cây ưa sáng, cây ít sâu bệnh… Tuy nhiên, đề án cải tạo, bổ sung và trồng thay thế cây xanh đô thị của Hà Nội dường như lại đi lệch quá xa với quy hoạch ban đầu. Với số lượng cây phải chặt lên đến 6.700 cây, tương đương với khoảng 1/7 tổng số cây xanh đô thị 2 bên đường phố Hà Nội đang có - khoảng hơn 50.000 cây.

Rõ ràng, không chỉ chỉ tiêu cây xanh hơn 18m2/người khó có thể thực hiện được, Hà Nội cũng đang tự mình “cạo trọc” một phần không nhỏ đường phố, cây trồng mới cũng không có trong danh mục các loại cây đã được quy hoạch thông qua.

Câu chuyện đề án cải tạo cây xanh của Hà Nội chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện về quy hoạch một đằng và thực hiện quy hoạch một nẻo ở nước ta hiện nay. Cộng với đó, theo thống kê, chỉ trong giai đoạn 2011-2020, đã có tới 19.837 quy hoạch các loại với kinh phí để lập lên tới 9.647 tỷ đồng, chưa kể hàng ngàn quy hoạch thời kỳ trước 2011 thiếu hiệu quả càng khiến cho vấn đề quy hoạch càng trở nên rối ren khó gỡ.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không chỉ quy hoạch công viên cây xanh mà tất cả những quy hoạch khác của chúng ta đều rất rối loạn, chồng chéo: Quy hoạch đô thị có Luật Đô thị, quy hoạch sử dụng đất lại ở trong Luật Đất đai, rồi quy hoạch vùng, quy hoạch ngành… Một vấn đề có khi có đến nhiều luật cùng điều chỉnh. “Quy hoạch như 5 ngón tay xòe, chia ra thì sẽ là điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, nhưng tụ lại phải thành nắm đấm, thế mới có thể phát huy được hiệu quả. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch” - ông Liêm nhận xét.

Trên thực tế, khoảng cách giữa quy hoạch và hiệu lực của quy hoạch đã được đề cập đến từ nhiều năm trước. Hiệu lực quy hoạch thấp đã dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, bóp méo quy hoạch trở thành câu chuyện thường xuyên.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, càng về sau này, những bản quy hoạch càng được đầu tư, thậm chí chúng ta đã thuê chuyên gia quy hoạch nước ngoài, đã xin ý kiến người dân… Đặc biệt, riêng với quy hoạch đô thị, sai lầm là không thể sửa chữa được bởi sẽ không dễ dàng để dừng một khu đô thị, sửa một khu phố hay phá dỡ một tòa nhà…

Hiện nay, hoạt động quy hoạch đang được điều chỉnh tại 52 luật, 7 pháp lệnh và 59 nghị định hướng dẫn luật, pháp lệnh với gần 20.000 quy hoạch các loại được lập để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, quy hoạch được lập quá nhiều nhưng không rõ đối tượng quản lý, không phù hợp với kinh tế thị trường, gây lãng phí nguồn lực của đất nước; quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch; chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi; việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành; đội ngũ cán bộ, chuyên gia tư vấn quy hoạch phần lớn không được đào tạo bài bản và chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về phương pháp lập quy hoạch trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cách thức tổ chức lập quy hoạch còn mang nặng cách làm quy hoạch truyền thống, khép kín, thiếu tính tổng hợp đa ngành.

Thân cây to được đào rễ và vận chuyển để bán đấu giá hoặc trồng nơi khác.

Hà Nội đã dừng chương trình thay thế 6.700 cây xanh trong một câu chuyện vẫn còn nhiều điều chưa ngã ngũ. Dù gây sốc cho nhiều người và không liên quan nhiều đến quy hoạch được duyệt, việc điều chỉnh hệ thống cây xanh đô thị vẫn còn là vấn đề “có thể sửa chữa và cứu vãn”.

Điều đặt ra ở đây là đối với những vấn đề nóng bỏng và hóc búa hơn, hiệu lực quy hoạch thấp sẽ dẫn đến những sai lầm không thể cứu vãn. Cung cách thực hiện quy hoạch - dù dự thảo Luật Quy hoạch đã được soạn thảo và hiện đang xin ý kiến - vẫn là một câu chuyện cũ mà khi “tay xòe” không thể thành “nắm đấm”, có lẽ những vụ việc tương tự như 6.700 cây xanh ở Hà Nội lại tiếp tục xảy ra.

(Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính)
 
  • Facebook
  • Google