Có nên mua nhà của người đang mắc nợ?

03:13 PM 03/04/2015

Hỏi: Hiện tại, tôi đã tìm được một căn nhà phù hợp để mua sau khi vất vả tìm kiếm. Tuy nhiên, đang có vài rắc rối làm tôi rất băn khoăn.

Ngôi nhà mà tôi định mua 1 trệt, 1 lầu, thoáng mát và khá rộng, tôi không chế nó mà chỉ lo là giờ chủ nhà đang trong tình trạng nợ nần. Nếu tôi mua ngôi nhà đó, chủ nợ sẽ gây khó dễ, ngăn cản tôi và bên bán khi giao dịch trong thời gian giấy tờ thủ tục sang tên chưa hoàn thiện.

Theo luật sư, tôi có nên mua nhà của người bán đang bị mắc nhiều nợ không? Tôi có thể gặp những rủi ro nào nếu mua căn nhà này?

thanhtannguyen@...

mắc nợ
Có thể gặp nhiều rủi ro khi mua nhà của người đang mắc nợ
 (Ảnh minh họa, nguồn: Một thế giới)

Trả lời

Những quy định của pháp luật cho thấy, bạn vẫn mua được ngôi nhà của gia đình này dù họ đang mắc nợ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong trường hợp này là các chủ nợ có làm đơn xin ngăn cản giao dịch mua bán này không? Bởi vì, các chủ nợ có quyền khởi kiện chủ nhà ra Tòa án đòi nợ, xin Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đó là không cho bán tài sản của con nợ.

Theo tôi, khi mua ngôi nhà này có thể sẽ phát sinh những rủi ro vì mua nhà phải ký kết hợp đồng ở Phòng công chứng và sau đó còn thực hiện các thủ tục về thuế. Thêm nữa, còn phải tiến hành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất. Những thủ tục này cần thời gian và tên chủ sở hữu căn nhà vẫn là người bán. Do đó, nếu chủ nợ khởi kiện ra Tòa án thì sẽ gặp rắc rối bởi tài sản này vẫn chưa thuộc về người mua.

Như vậy, bạn cần cố gắng hoàn thiện thủ tục thật nhanh nếu bạn muốn mua căn nhà đó. Căn nhà chỉ thuộc quyền sở hữu của người mua khi hoàn thiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.

Bạn cần cân nhắc kỹ và thận trọng khi mua nhà của người mắc nợ. Nguyên nhân là ngay cả khi bạn đã làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, sang tên rồi chủ nợ của người bán xin Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn cản thì cơ quan đăng ký sử dụng đất vẫn sẽ giữ hồ sơ lại, không cấp tiếp để chờ kết luận của Tòa án.

Công ty Luật Thiên Thanh

(Theo CafeLand)
 
  • Facebook
  • Google