Trong văn bản mà Bộ Xây dựng gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây, về việc hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 17/2014, trong đó có nội dung đáng chú ý là, cá nhân có thu nhập chưa chịu thuế theo quy định của luật mới được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Quy định này sẽ giúp giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đúng đối tượng, tuy nhiên, có thể tạo điểm nghẽn trong việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đã rất chậm chạp.
Văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng cho biết, người lao động có thu nhập thấp quy định tại Thông tư 17/2014 là người làm việc tại các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hay lao động tự do tại khu vực đô thị có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, cá nhân thu nhập trung bình tối đa 9 triệu/tháng và 18 triệu/ tháng đối với hộ gia đình mới được vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để mua nhà. Trên thực tế, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho những cá nhân và hộ gia đình có tổng thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, do đó thu nhập càng cao càng có nhiều cơ hội được vay tiền.
Hiện các nhà ở thương mại mới chỉ giải ngân được hơn 20% gói 30.000 tỷ đồng
Giám đốc điều hành Công ty bất động sản CBRE Việt Nam, ông Richard Leech cho hay, quy định này giúp lại chống hiện tượng đầu cơ và đem lại cơ hội cho người thu nhập thấp.
Nhưng việc chứng minh thu nhập vẫn đang là một thách thức trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh lương chính, rất nhiều người có những khoản thu nhập phụ thêm, vì thế nếu chỉ xét riêng bảng lương để áp dụng quy định chưa chịu thuế, sẽ khó cho cả ngân hàng và người dân.
Ông Richard Leech cho biết, “Để vay được tiền từ các ngân hàng, yêu cầu bảng lương của người vay cũng phải đẹp. Theo đó, bảng lương càng cao thì khả năng ngân hàng cho vay càng lớn, bởi các ngân hàng lo sợ nợ xấu như những năm trước đây. Song nếu chỉ tính thu nhập chưa đủ để nộp thuế mới được vay thì rõ ràng là khó cho cả ngân hàng và người tiêu dùng. Do đó, tốc độ giải ngân có thể sẽ bị hạn chế phần nào”.
Các chuyên gia cho rằng, với quy định này sẽ thu hẹp một lượng lớn người có nhu cầu về nhà ở. Giám đốc Công ty Luật Nam Dương, Luật sư Phạm Trung Hiếu nhận định, cần xem xét trên nhiều góc độ chứ không thể chỉ dựa trên mức thu nhập chưa chịu thuế.
Vị luật sư khuyến cáo, “Thu nhập chưa chịu thuế chỉ là một cơ sở để xem xét điều kiện vay, mà còn phải có sự đánh giá tổng thể tất cả các điều kiện từ thu nhập, độ tuổi hay nghề nghiệp, … nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho gói hỗ trợ, đem lại cho người dân những cơ hội tiếp cận việc sở hữu căn nhà, để phục vụ đời sống của mình”.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng, thay vì quy định mức thu nhập chưa chịu thuế mới được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, cần đưa ra những giải pháp đột phá nhằm tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội và hạn chế gánh nặng cho người thu nhập thấp khi vay tiền mua nhà.
Giám đốc Công ty Bất động sản Lạc Việt, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh đề xuất, hiện thời hạn vay đang là 15 năm nếu có thể tăng lên thành 20 năm nhằm chia nhỏ số lãi vay. Ngoài ra có thể áp dụng không chia đều lãi và gốc hàng tháng, nên chia 1 năm thành 3 đợt gốc nhưng lãi thì cho trả chậm.
Bà Hạnh phân tích, “Nếu làm được như vậy là ngân hàng đã hỗ trợ cho người mua nhà cân đối chi phí trong khoản thu nhập, nhằm tạo cho người dân cảm giác khi mua nhà từ gói hỗ trợ như là một hình thức đi thuê, và sau khoảng một thời gian lại được sở hữu nhà. Nhờ đó sẽ đẩy nhanh được tốc độ gói 30.000 tỷ đồng”.
Hiện gói 30.000 tỷ đồng đã đi được hơn một nửa chặng đường, tuy nhiên tính đến ngày 25/2, các ngân hàng thương mại mới chỉ giải ngân được hơn 20%. Nhằm tạo điều kiện cho nhiều người thu nhập thấp, cũng như người nghèo có cơ hội sở hữu nhà ở đô thị, các chính sách đưa ra cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc căn bản hiện nay. Bằng không, hiệu quả hỗ trợ mua nhà chỉ ở mức thấp, đồng thời mục tiêu giải ngân hết gói tín dụng này đúng thời hạn 1/6/2016 khó có thể đạt được.