Nhà đầu tư bán cắt lỗ, ‘tháo chạy’ khỏi thị trường căn hộ cao cấp

05:08 PM 02/01/2018

Thời gian qua, bất chấp cảnh báo của giới chuyên gia, thị trường căn hộ cao cấp vẫn phát triển ồ ạt. Hậu quả là nhiều nhà đầu tư giờ phải đua nhau bán cắt lỗ. Liệu có phải căn hộ cao cấp đang dội hàng khiến nhà đầu tư thứ cấp phải tìm cách "tháo chạy" khỏi phân khúc này?

Khó tìm được đầu ra dù đã rao bán cắt lỗ

Trong khoảng 3 tháng trở lại đây, những tin rao như: “Cần tiền bán gấp căn hộ cao cấp quận 5”; “kẹt tiền bán hoàn vốn căn hộ cao cấp ở quận 2”; “cần vốn làm ăn bán lỗ căn hộ cao cấp quận 3”… xuất hiện nhan nhản trên mạng internet.

Trong vai người có nhu cầu mua căn hộ, chúng tôi liên hệ với anh T. theo tin rao bán hoàn vốn căn hộ Gateway Thảo Điền (quận 2) mà anh này đăng trên mạng. Anh T. cho biết, anh mua căn hộ này cách đây khoảng 2 năm với giá ngót 2,5 tỷ đồng. Hiện tại do gặp vấn đề về tài chính nên anh muốn bán lại hoàn vốn. Với mức giá này, anh T. chấp nhận lỗ khoản tiền lãi suất phát sinh mỗi tháng. Khi thấy khách tỏ ra chần chừ, người đàn ông này còn gợi ý sẽ khuyến mại thêm các loại phí quản lý có giá trị gần 200 triệu đồng.

Trường hợp khác là anh H. mới mua căn hộ Rivera Park (quận 10) cách đây chưa tới 6 tháng cũng chấp nhận rao bán lỗ 50 triệu đồng. Theo giới thiệu của anh này, căn hộ anh mua có diện tích 77m2 với giá 3,2 tỷ đồng, nay do cần tiền làm ăn nên muốn bán nhanh để thu hồi vốn. Anh H. còn hứa, sẵn sàng thương lượng thêm nếu khách hàng có thiện chí.

Khi PV dò hỏi mua căn hộ tại dự án Hà Đô Centrosa (quận 10) với giá thấp hơn thị trường, một nhân viên môi giới tên Vũ mau mắn giới thiệu cùng lúc 8 căn hộ với giá rao bán hoàn vốn hoặc lỗ từ 50 - 200 triệu đồng/căn.

Vũ cho biết, số căn hộ trên là của những khách hàng kẹt vốn muốn ký gửi công ty bán gấp, trong đó đa phần các căn hộ đều được khách hàng đặt mua trong khoảng thời gian từ một năm trở về đầy.

Anh L. mới mua một căn hộ cách đây chỉ 3 tháng cũng muốn bán cắt lỗ 70 triệu đồng. Căn hộ này rộng 107m2, lúc mua có giá gần 4,3 tỉ đồng.

Tương tự, cách đây khoảng 2 tháng, anh T. mua một căn hộ 02 phòng ngủ, rộng 87m2 với giá 4,8 tỉ đồng tại dự án Sala Đại Quang Minh (quận 2) của Công ty bất động sản Đại Quang Minh nay cũng rao bán với giá 4,6 tỷ đồng, lỗ lên tới 200 triệu đồng.

Trong khi đó, tại dự án Serenity Sky Vila (quận 3) của Công ty CP Serenity Sky Villas (thuộc SonKim Land) dù mới ra mắt vào tháng 6/2017 nay đã có khách hàng rao bán lỗ gần 1 tỉ đồng mỗi căn.

thị trường căn hộ cao cấp
Nhiều dự án căn hộ cao cấp được nhà đầu tư rao bán cắt lỗ trong
khoảng 3 tháng trở lại đây. Ảnh minh họa

Anh V., một khách hàng mua căn hộ dự án Serenity Sky Vila cho biết, căn hộ anh mua có diện tích 180m2 với giá mỗi mét vuông gần 132 triệu đồng, nay bán lại với giá 23 tỉ đồng. Như vậy, anh V. đã lỗ tới hơn 700 triệu đồng nếu bán căn hộ này. Theo đó, anh V. giải thích: “Trước đây tôi định mua cho thuê, nhưng sắp tới gia đình tôi dự định chuyển đi nước ngoài sinh sống nên muốn bán gấp”.    

Tình trạng rao bán cắt lỗ còn diễn ra tại nhiều dự án chung cư cao cấp khác, đơn cử như Phú Mỹ Hưng, Happy Valley, City Garden, Nassim Thảo Điền... với giá rao bán cắt lỗ từ khoảng 50 - 300 triệu đồng mỗi căn.

“Tháo chạy” để cắt lỗ?

Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là liệu có phải những trường hợp bán lỗ đều là những nhà đầu tư cá biệt có khó khăn về tài chính? Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, lý do này chỉ đúng với một phần nhỏ khách hàng, trên thực tế, các nhà đầu tư đang có dấu hiệu “tháo chạy” khỏi thị trường căn hộ cao cấp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở trên địa bàn quận 3 phân tích, thị trường căn hộ cao cấp hiện đang chịu rất nhiều áp lực. Cách đây khoảng 2 năm, loạt căn hộ cao cấp có giá bán từ 30 triệu đồng/m2 trở lên được tung ra thị trường một cách ồ ạt. Theo đó, có tới 20.000 căn tham gia thị trường.

Theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Bất động sản Tp.HCM thì chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, riêng Tp.HCM đã có gần 7.500 căn hộ cao cấp được các chủ đầu tư chào bán ra thị trường.

Như vậy, trong vòng 2 năm qua, đã có trên 25.000 căn hộ cao cấp được tung ra thị trường. Làm một bài toán đơn giản: nếu giả sử bình quân một căn hộ cao cấp có giá 4 tỷ đồng thì nghĩa là thị trường sẽ cần khoảng 100.000 tỷ đồng cùng với nhiều năm mới có thể hấp thụ hết nguồn cung khổng lồ này.

Trong khi đó, một đơn vị nghiên cứu thị trường là CBRE đánh giá, khoảng 60% người mua nhà hiện nay là mua để đầu cơ với tỷ lệ vay dao động từ 70 - 90% giá trị bất động sản với phần đa các hợp đồng vay thương mại không cố định lãi suất. Do đó, một khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất, trước áp lực tài chính, nhà đầu tư buộc phải chọn cách bán tháo để không bị tồn hàng cùng với gánh nặng phải trả lãi suất có thể diễn ra trong tương lai gần.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng (chuyên gia bất động sản) nhìn nhận, nhiều cảnh báo về thực trạng khó khăn của phân khúc căn hộ cao cấp đã được đưa ra từ cách đây khoảng 2 năm, tuy nhiên đa số nhà đầu tư vẫn phớt lờ. Chỉ đến khi thị trường tồn ứ quá nhiều hàng như hiện nay thì nhà đầu tư mới tìm cách thoát hàng vì biết khó có thể “lượt sóng”. Để không bị ôm hàng, chôn vốn, nhà đầu tư “lướt sóng” phải chấp nhận bán lỗ, “tháo chạy”. Một khi các nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt tìm cách rút khỏi thị trường căn hộ cao cấp thì làn sóng bán "cắt lỗ" sẽ hình thành.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, không ít người chỉ đủ nguồn vốn để mua một căn hộ nhưng lại liều lĩnh vay ngân hàng với tỷ lệ cao, từ 70 - 80% để mua thêm nhiều căn. Kỳ vọng của họ là chờ khi giá căn hộ cao cấp tăng sẽ “lướt sóng” kiếm lời… Thực trạng này khá tương đồng với thời điểm thị trường bất động sản sốt ảo năm 2006 - 2007. Tuy vậy, mức thanh khoản ở giai đoạn này không giống với thời điểm hiện nay, khiến nhà đâu tư có nguy cơ bị chôn vốn nên muốn cắt lỗ nhanh.

Đến thời điểm này, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa, tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, không hiếm dự án căn hộ cao cấp vẫn đang ấp ủ dự định bung hàng. Để tạo hấp lực, các chủ dự án có thể sẽ đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn như: thanh toán 1% giá trị căn hộ/tháng hoặc 30 - 40% giá trị căn hộ đến khi nhận nhà...

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, những chính sách trên vẫn chủ yếu nhắm đến nhóm khách hàng thích đầu tư “lượt sóng”. Khi thị trường ồ ạt nguồn cung, các chủ dự án lẫn đơn vị môi giới vẫn sống khỏe vì đã thoát hết hàng, chỉ có các nhà đầu tư, khách hàng là “chịu trận”. 

(Theo Phụ Nữ Online)
 
  • Facebook
  • Google