Nghị định 15 về PPP: Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ ra đời

11:33 AM 25/03/2015

Hình thức đầu tư PPP (hợp tác công tư) đang gây bão khi gần đây hàng loạt các dự án về hạ tầng giao thông, cảng biển… lần lượt ra đời với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. PPP được coi là "chiếc đũa thần kỳ” trong việc huy động đâu tư vào hạ tầng giao thông.

công trình giao thông
Nhờ PPP nhiều công trình nghìn tỷ ngành giao thông ra đời (Ảnh minh họa)

Vào sáng nay 25/3, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư đã tổ chức hội nghị giới thiệu Nghị định số 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nghị định số 30 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn đầu tư.

Với 10 điểm mới dưới đây được coi là bứt phá giúp PPP trở thành "cây đũa thần kì” tạo hấp lực các nhà đầu tư

1. Nghị định phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp nối đà đổi mới của Việt Nam

Nghị định số 15 ra đời trong bối cảnh đất nước đang triển khai những kế hoạch thực chất của hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng cùng tiến trình tái cấu trúc đầu tư công.

Đối với quy trình thực hiện dự án PPP, Nghị định đã tiệm cận với chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2012, 2013, 2014. Nhờ hướng đổi mới này đã thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân nước ngoài và nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế tham gia dự án hạ tầng, mặt khác tiếp tục khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, Nghị định 15 yêu cầu công khai, minh bạch từ đó làm trong sạch môi trường đầu tư.

2. Mở rộng lĩnh vực

Hình thức đầu tư hợp tác công tư được thực hiện với các dự án có mục đích công. Nghị định 15 quy định hầu hết các lĩnh vực của đầu tư công truyền thống, đã mở rộng hơn nhiều so với các văn bản trước đây từ kết cấu hạ tầng đến gia thông, cấp thoát nước, điện, và các dịch vụ công trong lĩnh vực xã hội như y tế, dạy nghề, giáo dục, thể thao, văn hoá.

Như vậy, với PPP, các địa phương có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ nút thắt trong các dự án trong đầu tư các dự án công. Hơn nữa, PPP được ưu tiên trong quá trình hoạch định và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới.

3. Bổ sung các hợp đồng mới

Bên cạnh các hợp đồng cũ như BOT, BT, BTO, sau Nghị định có thêm các hợp đồng BOO, BTL, O&M, BLT. Cụ thể, sẽ có 2 nhóm hợp đồng. Nhóm thứ nhất, các nhà đầu tư thu phí trực tiếp người sử dụng hoặc tạo doanh thu thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhóm thứ hai, nguồn thu của nhà đầu tư đến từ việc thanh toán nhiều lần của cơ quan nhà nước phụ thuộc vào chất lượng cũng như tiến độ của nhà đầu tư thực hiện.

4. Nhấn mạnh khâu chuẩn bị dự án

Điểm mới của Nghị định PPP là yêu cầu trước khi chọn nhà đầu tư thực hiện, các nhà đầu tư phải nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư bài bản. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam phải chào ra thị trường tài chính quốc tế cũng như trong nước những dự án được nghiên cứu trước chứ không phải theo kiểu "nhanh trước, chậm sau”.

5. Kiểm soát đầu ra thay cho đầu vào

Nghị định PPP chú trọng kiểm soát đầu ra. Có thể nói, đây là cách tiếp cận mới, sẽ làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình và dịch vụ sẽ được cung cấp, không định hướng cho 1 loại công nghệ, giải pháp triển khai. Theo đó, các nhà đầu tư có giải pháp công nghệ hiệu quả nhất sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu để đảm bảo chất lượng cao nhất.

6. Quy định rõ về vốn đầu tư công tham gia thực hiện dự án

Trường hợp dự án có mục đích công không có khả năng hoàn vốn thì dự án đó cần tới sự tham gia của Nhà nước. Nghị định đã có quy định rõ về thu hút vốn cho các dự án này với mục đích là góp vốn để xây dựng dự án và thanh toán cho nhà đầu tư cũng như hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường tái định cư sau giải phóng mặt bằng.

Nghị định này vẫn khẳng định ưu điên hàng đầu cho các dự án PPP.

7. Làm rõ hai phương thức tham gia vào dự án của nhà đầu tư.

Đối với trường hợp 1, nhà nước xác định ý tưởng, đồng thời đề xuất và báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, nhà đầu tư được tham vấn trong quá trình chuẩn bị dự án và đấu thầu giành quyền thực hiện các dự án đó.  Đối với các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành thì đây là cách làm chủ đạo.

Còn với trường hợp thứ hai, nhà đầu tư đề xuất ý tưởng, cũng như lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu báo cáo được duyệt, khi đó cơ quan nhà nước tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đề xuất dự án được hưởng mức ưu đãi nhất định trong đấu thầu, trong trường hợp không trúng thầu sẽ được hoàn trả chi phí nghiên cứu dự án.

8. Đáp ứng mối quan tâm của bên cho vay

Nghị định đã nêu rõ cơ chế thực hiện quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay thông qua thỏa thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các biện pháp đảm bảo đầu tư theo PPP là bảo lãnh nghĩa vụ nhà đầu tư, thế chấp dự án, doanh nghiệp dự án, quyền sử dụng đất và cân đối ngoại tệ.

9. Xác định rõ vai trò của nhà nước và hình thành đầu mối thực hiện

Nghị định đầu tư hợp tác công tư đã xác định vai trò của nhà nước trong đầu tư PPP như sau: Là một bên, một đối tác của hợp đồng, thực hiện cam kết cũng như chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; có nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng và kiểm soát về chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Nghị định quy định rõ các đầu mối triển khai PPP. Trong đó, đứng đầu là Ban chỉ đạo Nhà nước về PPP.

10. Rút gọn thủ tục đối với dự án nhóm C

Nếu như thông lệ quốc tế là chỉ thực hiện dự án PPP có quy mô lớn, thì Nghị định 15 quy định bổ sung với cả các dự án nhỏ, là dự án nhóm C theo Luật Đầu tư công. Phải khẳng định rằng, đây là điểm mới phù hợp với Việt Nam đặc biệt là với các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn, có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng.

Nhằm tạo tính linh hoạt, Nghị định còn quy định thủ tục rút gọn với các dự án này như sau: Không phải thực hiện các bước như lập báo cáo nghiên cứu cũng như không phải thành lập doanh nghiệp dự án và không cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư.

Tóm lại, hình thức đầu tư PPP là cú hích để phát triển hạ tầng.

(Theo NDH Money)
 
  • Facebook
  • Google