Ông Nguyễn Hùng Anh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết, khách du lịch tới Đà Nẵng năm 2014 đạt 3,8 triệu lượt, so với năm 2014 đã tăng 21,9%. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của những khách sạn trên địa bàn lại tăng trưởng chậm hơn do sư gia tăng số lượng phòng khách sạn quá nhanh, đặc biệt là ở phân khúc 3-5 sao.
Theo số liệu do Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng) Trương Thị Hồng Hạnh công bố tại hội nghị trên, năm 2014, toàn thành phố có 435 khách sạn, cung cấp 15.625 phòng. Trong quý I/2015, tăng thêm 15 khách sạn, tương đương 711 phòng. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 450 khách sạn với 16.336 phòng. Từ nay tới 2017, dự kiến mỗi năm TP. Đà Nẵng sẽ tăng 2-3 nghìn phòng khách sạn tại phân khúc 3-5 sao.
Ông Nguyễn Hùng Anh cho hay, việc những khách sạn ra đời quá ào ạt đã dẫn tới cung vượt cầu, cạnh tranh về giá đã trở thành cuộc chiến khốc liệt khiến bình quân giá phòng thấp, thậm chí giảm so với những năm trước. Đội ngũ nhân lực yếu về chất lượng, thiếu về số lượng vì không theo kịp sự phát triển quá nóng này. Trong khi đó, giá đầu vào như tiền thuê đất, thuế, điện, nước... lại tăng.
|
Hoạt động khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng trở nên thiếu bền vững
do phát triển quá nóng. Ảnh: HC |
Việc phát triển khách sạn tại TP. Đà Nẵng trở nên thiếu bền vững do thực tế nêu trên. Nhiều khách sạn đã rơi vào vòng luẩn quẩn, vì cạnh tranh gay gắt nên phải hạ giá xuống. Khi giá thấp, hiệu quả kinh doanh sẽ không cao. Vì hiệu quả kinh doanh không cao nên chất lượng dịch vụ giảm sút. Chất lượng dịch vụ giảm sút làm ít khách. Ít khách khiến hiệu quả kinh doanh thấp, lại tiếp tục kéo giá xuống thấp để hy vọng thu hút khách...
Ngoài ra, việc họ bán phá giá còn làm khiến nhiều khách sạn khác cũng phải hạ giá theo. Điều đó đồng nghĩa với giảm chất lượng dịch vụ nhằm mong có thể giữ chân khách!
Theo ông Nguyễn Hùng Anh, cuộc chiến khốc liệt này tất yếu khiến cho hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Vì thế, rất nhiều khách sạn trên địa bàn phải bán lạihoặc chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cho biết, tình hình đó đòi hỏi lãnh đạo thành phố, nhất là Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cần có sự định hướng cho những doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng khách sạn một cách hợp lý nhằm tránh tình trạng đầu tư theo phong trào làm tăng nợ vay ngân hàng, “chôn vốn” nhưng kinh doanh không hiệu quả và rồi “rã đám” dây chuyền.
Tuy nhiên, tính đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đà Nẵng hầu như chưa từng công bố thông tin cụ thể về con số khách sạn trên địa bàn phải bán hoặc chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác do làm ăn thua lỗ.