Giải pháp cân bằng "cung - cầu" trong phát triển nhà ở xã hội

01:52 PM 27/03/2015

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm cả nước sẽ cần khoảng 166.000 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2014, cả nước chỉ mới hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Để đáp ứng nhu cầu bức thiết về chỗ ở, con số trên chắc chắn phải tăng mạnh trong thời gian tới.

nhà ở xã hội
 Với mức giá từ 100 triệu đ/căn 30m2, nhà ở xã hội của Becamex Bình Dương
đã giúp cho hàng ngàn công nhân lao động có chỗ ở ổn định

Tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong năm 2015

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội trong năm 2015 là một trong những nhiệm vụ kiên quyết lâu dài của ngành xây xựng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát và phân loại cũng như điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích trung bình, nhỏ với giá bán thấp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần giải được bài toán về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ...

Phó TGĐ Cty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomrea), ông Bùi Tiến Thắng cho biết: Đa số người lao động có thu nhập trung bình đều tập trung tại các thành phố lớn, cho nên quỹ đất tại các thành phố này cần được giải quyết sát sao để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư nhà ở xã hội cũng như nhà ở quy mô nhỏ giá thấp, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu an cư cho người dân thuộc phân khúc trung bình.

Trên thực tế, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội còn rất hạn chế, vì lợi nhuận của loại hình nhà ở này không hấp dẫn nhà đầu tư. Mặt khác, những vị trí được xem là “đất vàng” lại được dùng để xây nhà thương mại. Nhưng đối tượng cần mua nhà ở đều thuộc phân khúc trung bình, khả năng tài chính eo hẹp nên không thể tiếp cận được phân khúc nhà ở cao cấp. Thực trạng các “đại gia” địa ốc chiếm lĩnh hầu hết các vị trí đất quan trọng, đặc biệt là tại các thành phố lớn đang đặt quỹ đất nhà ở xã hội vào tình trạng hạn hẹp. Vì vậy, các chuyên gia địa ốc cho rằng muốn đầu tư nhà ở xã hội phải có quỹ đất đủ và phù hợp, như vậy mới đủ cơ sở để đầu tư.

Tháo gỡ vướng mắc về lợi nhuận

Chủ trương phát triển nhà ở xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu nhập trung bình có chỗ an cư, nhất là là ở thành thị. Nhưng thực tế cho thấy, cung vẫn chưa đáp ứng được cầu. Do lợi nhuận thấp khiến nhiều chủ đầu tư không “mặn mà” với việc đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Thực tế lợi nhuận thu được từ việc đầu tư phân khúc này chỉ vào khoảng 6% và thấp hơn so với nhà ở thương mại (từ 20 % - 30%).


Một số dự án thuộc phân khúc trung bình nhưng không phải là nhà ở xã hội cũng
là một giải pháp đáp ứng nguồn cầu cao hiện nay

Mặt khác, nếu đặt nặng lợi nhuận lên hàng đầu khi làm nhà ở theo loại hình này thì cung sẽ mãi tỉ lệ nghịch với cầu. Cho nên, để đáp ứng được nguồn cung nhà ở xã hội đang ngày càng tăng, các doanh nghiệp cần có sự nhìn nhận khác về lợi nhuận khi đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, hay nhà thu nhập thấp. Dù lợi nhuận mang lại không cao như nhà ở thương mại, nhưng doanh nghiệp lại được hưởng ưu đãi từ Chính phủ thông qua chủ trương chính sách như miễn giảm thuế đất, hay hỗ trợ tín dụng thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng… Hơn nữa, nhu cầu nhà ở xã hội là nhu cầu thực nên số lượng giao dịch tăng khi nguồn cung được đảm bảo là chắc chắn.

Hiện nay, khi làm nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không ngần ngại đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như tiện ích để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho cư dân sinh sống. Điển hình là các dự án Jamona Apartment của Sacomreal, Đặng Xá của Vigracera, HQC Plaza của Hoàng Quân... Theo ông Bùi Tiến Thắng, Dự án Jamona Apartment không chỉ tọa lạc tại trung tâm Q.7, Tp.HCM (ngay chân cầu Phú Mỹ, giúp cư dân dễ dàng di chuyển vào trung tâm thành phố) mà còn được trang bị đầy đủ tiện ích như trung tâm thương mại, khu trung tâm vui chơi, giải trí, siêu thị, nhà trẻ…

Như vậy, khi bài toán về quỹ đất và những vướng mắc về lợi nhuận được giải quyết thì nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia mới được hiện thực hoá. Điều quan trọng hơn là nhu cầu cấp bách về chỗ ở của đại đa số người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình sẽ được đáp ứng thoả đáng.

(Theo Báo Xây dựng Online)
 
  • Facebook
  • Google