Đất nền Bình Dương có nguy cơ sốt ảo?

08:20 AM 11/05/2018

Tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), giá đất nền tăng mạnh trong vòng 4-5 tháng qua, ghi nhận mức 30- 40%. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng sốt đất ảo tại tỉnh giáp ranh Sài Gòn.

Giá đất nền tăng mạnh trên thị trường thứ cấp

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giá đất nền trên địa bàn thị xã Dĩ An, huyện Thuận An liên tục tăng mạnh. Cụ thể, so với thời điểm tháng 12/2017, giá đất thổ cư đầy đủ giấy tờ pháp lý đã tăng 7-8 triệu đồng/m2; còn giá đất dự án tăng từ 4-5 triệu đồng/m2.

Nếu ở thời điểm trước Tết âm lịch, giá chào bán tại hầu hết các dự án đất nền nơi đây chỉ nằm trong mức 15 - 22 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên thành 24-30 triệu đồng/m2, tăng 30-40%. Thậm chí, có những nền đất thổ cư thuộc các dự án nhỏ lẻ trên địa bàn các phường Bình An, Dĩ An, Đông Hòa, Tân Bình, tăng tới 300-400 triệu đồng/nền.

Giá đất nền ghi nhận tại các huyện Thuận An, Tân Uyên cũng liên tục tăng tại thời điểm sau Tết, với mức tăng từ 20-30%. Cụ thể, tại dự án Visip 2 mở rộng, giá của những lô đất đã ra sổ ở thời điểm hiện tại là 9-12 triệu đồng/m2, trong khi, thời điểm trước Tết chỉ ở mức 4-6 triệu đồng/m2; giá của nhiều lô đất thuộc KĐT An Phú Hưng cũng đã được đẩy từ 14-15 triệu đồng/m2 lên thành 16-19 triệu đồng/m2; giá đất nền tại KĐT Vĩnh Phú II cũng tăng từ 8-9 triệu đồng/m2 lên thành 10-12 triệu đồng/m2.

Giá đất nền Bình Dương từ đầu năm đến nay liên tục tăng theo tuần, thậm chí là theo ngày. Đối tượng săn đất nhiều nhất là các nhà đầu tư đến từ Tp.HCM với mục đích lướt sóng, môi giới BĐS tại khu vực này cho hay.

Bên cạnh sự ảnh hưởng từ sức nóng của cơn sốt đất tại khu vực giáp ranh (quận 9), giá đất nền Dĩ An, Bình Dương tăng nhanh còn do quyết định kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đến Biên Hòa – Dĩ An của chính quyền.

đất nền Bình Dương.
Giá liên tục tăng cao, trong khi không có giao dịch đã khiến nhiều người lo ngại về cơn sốt ảo
trên thị trường đất nền Bình Dương.

Thị trường đất nên Bình Dương từ sau Tết đến nay bỗng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, bởi sự đổ bộ của các NĐT về đây "săn" đất. Tại các khu vưc từ Dĩ An, Thuận An cho đến Tân Uyên, Bến Cát, giá đất hầu như đều tăng, thậm chí có những nơi tăng tới 50% chỉ trong khoảng 4-5 tháng.

Nguy cơ sốt đất ảo?

Giá đất thổ cư tại những vị trí đẹp của huyện Dĩ An đã tăng thêm từ 100 – 200 triệu đồng/nền chỉ trong vòng 1 tháng; còn đất dự án tăng từ 80 – 150 triệu đồng/nền. Song, điều đáng quan tâm ở đây là, giá đất tăng cao trong bối cảnh không có giao dịch được thực hiện. Điều này chỉ có thể lý giải rằng, hiện tượng tăng giá đất chóng mặt trong thời gian ngắn là do "cò" đất tự ý đẩy lên cao trước sự "tăng nhiệt" của nhu cầu mua đầu tư.

Nắm bắt được nhu cầu đầu tư tăng cao, "cò" đất đã thu mua các nền từ phía dân bản địa, rồi dùng chiêu đẩy giá lên cao để bán lại cho nhà đầu tư. Giá đất lại một lần nữa được NĐT nâng giá để bán lại nhằm lướt sóng.

Giá đất liên tục tăng, song, dòng tiền bản chất là nằm trong túi NĐT. Họ ôm hàng rồi tự đẩy giá, khiến nhu cầu ảo phát sinh, còn nhu cầu thực hầu như là không nhiều. Đất nền Bình Dương nóng sốt ở thời điểm đầu năm chủ yếu xuất phát từ sự ảnh hưởng của cơn sốt của đất nền vùng ven Sài Gòn. Và chỉ ở những khu vực có sự đồng bộ về hạ tầng, tập trung dân cư đông đúc mới xảy ra hiện tượng này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Bình Dương, ông Trần Khắc Thạch cho hay.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng khẳng định, nguy cơ bong bóng BĐS tại Bình Dương là điều khó có thể xảy ra, bởi so với giá đất thuộc khu ven TP thì đất nền của tỉnh vẫn nằm trong ngưỡng giá an toàn, chỉ tăng cao đối với một số khu vực, tuyến đường nhất định. Điều này cũng là nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của đất nền Bình Dương đối với NĐT trong thời gian tới.

Lợi dụng sự "tăng nhiệt" của thị trường, nhiều NĐT đã ôm những khi đất rộng tại một số khu vực Bình Dương rồi tự ý phân lô để bán cho người dân với giá cao. Đáng nói ở đây, các giao dịch đều được thực hiện bằng giấy tay. Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà đất của cơ quan liên ngành.

Dù đất chưa được cấp sổ, công trình chưa được cấp phép xây dựng, song, nhiều người vẫn ngang nhiên xây nhà. Phải chăng, sự ngang nhiên của dân là do có sự bao che, dễ dãi từ phía chính quyền trong việc xử lý hồ sơ, cấp phép?

(Theo Nhịp sống kinh tế)
 
  • Facebook
  • Google