Phê duyệt Quy hoạch mở rộng đô thị trung tâm Bắc Ninh

11:39 AM 03/05/2018

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh năm 2035, tầm nhìn 2050 mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích khoảng 822,7km2 của tỉnh Bắc Ninh với ranh giới: giáp tỉnh Hải Dương ở phía Đông; giáp thủ đô Hà Nội ở phía Tây; giáp với tỉnh Hưng Yên ở  phía Nam; giáp với tỉnh Bắc Giang ở phía Bắc. Quy hoạch được lập với quy trình thực hiện trong thời hạn ngắn hạn là đến năm 2022, dài hạn là đến 2035 và tầm nhìn đến 2050.

Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch với việc bổ sung thêm một số mục tiêu đã nhận được sự thông qua từ phía Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh gắn liền với quy hoạch xây dựng chung vùng Thủ đô Hà Nội, tạo thành một cực của tam giác tăng trưởng, phấn đấu cùng với các địa phương trong vùng Thủ đô, trở thành vùng đô thị lớn văn minh, hiện đại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, quy hoạch mở rộng đô thị trung tâm Bắc Ninh, trong đó, chủ lực vẫn là TP. Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và mở rộng ra phía các huyện lân cận như Yên Phong, Quế Võ. Phấn đấu đưa nơi đây trở thành đô thị loại I đạt chuẩn, thành phố trực thuộc trung ương, đóng vai trò là "đầu tầu và hạt nhân" trong quá trình thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh
Mô hình quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến 2035, tầm nhìn 2050.

Cùng với đó, các cơ quan liên đới cũng được Thủ tướng yêu cầu tiến hành đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đã thông qua năm 2013, đối chiếu với tiêu chí xây dựng thành phố trung ương để có được sự điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển về cả quy mô lẫn số lượng đô thị, khu chức năng lớn, công trình hạ tầng kỹ thuật. Song song với đó, thực hiện điều chỉnh quy mô đô thị trung tâm theo hướng chọn khu vực phía Bắc sông Đuống là vùng nội thành; dự báo về quy mô dân số cũng cần được điều chỉnh để có sự phù hợp với tình hình.

Bắc Ninh được phát triển theo định hướng tổng hợp về các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch văn hóa - lịch sử; tập trung phát triển vào trung tâm y tế - nghỉ dưỡng của vùng; kinh tế tri thức (đào tạo công nghệ cao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, giáo dục - đào tạo); phát triển thương mại (trung tâm thương mại, logistic cấp vùng…); kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tạo sự kết nối thuận tiện với Thủ đô cũng như các tỉnh lân cận.

(Theo Kinh tế & Đô thị Online)
 
  • Facebook
  • Google