Theo quy hoạch, quy mô dân số tại khu đô thị Gia Lâm dự kiến là khoảng 89.500 người.
Cơ cấu đất tại khu đô thị như sau: đất khu ở là 2.281.092m2 (chiếm 54,26% tổng diện tích); đất công cộng là 397,515m2; đất trường học là 246.911m2; đất đường, quảng trường, nhà ga và bến bãi đỗ xe là 269.274m2; đất cây xanh, thể dục thể thao và mặt nước là 872.138m2.
Đất công cộng khu ở được chia thành 6 lô. Các lô có tổng diện tích hơn 52.000m2, được bố trí các khu chức năng là trung tâm thương mại, văn hóa, dịch vụ, y tế, dịch vụ, giải trí... Mật độ xây dựng là 60%, tầng cao 5 tầng, hệ số sử dụng đất 3 lần.
|
Quy mô dân số tại khu đô thị Gia Lâm dự kiến là khoảng 89.500 người |
Đất khu ở gồm đất biệt thự, đất ở mới, đất nhà vườn, đất nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ, đất nhà ở liền kề và đất nhà ở cao tầng. Trong đó, khu biệt thự nằm trong lòng đô thị, cách xa trục đường lớn để đảm bảo yên tĩnh. Các khu nhà ở cao tầng được bố trí ở phía Tây Bắc dự án, chiều cao 25-38 tầng. Khu nhà ở thương mại nằm ở trục cảnh quan chính của đô thị với đặc trưng riêng, tạo điểm nhấn cho cảnh quan. Trường học được đặt ở trung tâm các khu ở.
Về ranh giới khu đô thị, phía Đông Bắc có đường quy hoạch rộng 40m; phía Đông Nam giáp khu dân cư hiện hữu xã Kiêu Kỵ; phía Tây Bắc có tuyến đường quy hoạch Đông Dư - Dương Xá rộng 40m; phía Tây Nam giáp đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Dự án nằm trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đô thị trung tâm được phát triển trong quy hoạch chung mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Đây sẽ là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Hà Nội và cả nước.
Khu đô thị mới được hình thành sẽ gắn kết tuyến đường sắt đô thị, giao thông công cộng, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ giúp gia tăng nguồn thu về quỹ đất để huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng, phục vụ người dân.