Vốn tín dụng cho địa ốc ngày càng hướng tới nhu cầu thực

11:06 AM 10/02/2018

Thị trường bất động sản trong năm 2017 ghi nhận tăng khoảng 4,07% theo năm, đóng góp 0,21% vào mức tăng trưởng 6,81% GDP toàn quốc. Có khoảng 68.000 căn được giao dịch thành công, tăng khá, tỷ lệ hấp thụ trung bình của thị trường là khoảng 79%.

Trong năm 2017, lượng hàng tồn kho địa ốc cũng tiếp tục giảm xuống còn khoảng 25.723 tỷ đồng, giảm 17% theo năm. Giá giao dịch được giữ ở mức tương đối ổn định, giá bán tại phân khúc BĐS trung - cao cấp có sự tăng nhẹ.

Thị trường địa ốc cũng chứng kiến sự hấp thụ mạnh từ dòng vốn ngoại với tổng vốn đăng ký đạt 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký mới, xếp vị trí thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lượng kiều hối chảy vào BĐS tăng 21 - 22%, ở mức khoảng 2,5 tỷ USD/năm.

Dòng vốn đổ vào thị trường địa ốc thời gian gần đây có đa dạng hơn, tuy nhiên, để tạo nên sự chuyển biến tích cực rõ rệt thì sự cung ứng vốn cơ bản từ ngân hàng đóng vai trò không nhỏ.

Trong năm 2017, tín dụng BĐS chiếm 8% tổng dư nợ.
Trong năm 2017, tín dụng BĐS chiếm 8% tổng dư nợ.

Từ thực tế thị trường BĐS giai đoạn 2015 - 2017 có thể thấy, ngân hàng không chỉ cung ứng vốn cho các doanh nghiệp địa ốc, mà ngay cả nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng có nhu cầu mua BĐS cũng đang là đối tượng được hướng đến.

Theo đó, trong năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 19%, tăng trưởng cho vay vào lĩnh vực nhà đất và xây dựng là khoảng 13%. Cho vay trong lĩnh vực BĐS và xây dựng trên tổng tín dụng ở khoảng 15,5%, trong khi năm 2016 là 17,1%. Trong đó, xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khách sạn, nhà ở và khu du lịch là lĩnh vực chiềm tỷ lệ tín dụng chủ yếu.

Ngoài ra, tín dụng chảy vào địa ốc còn “ẩn nấp” qua kênh cho vay tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng trong năm 2016 đã có sự tăng trưởng đột ngột với mức 50,2% so với năm trước và năm 2017 còn tăng cao hơn với khoảng 65%. Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng tính đến thời điểm cuối năm 2017 chiếm khoảng 16 - 17% tổng tín dụng, trong đó, phân khúc cho vay sửa chữa và mua nhà để ở chiếm tới gần 60%.

Tín dụng đổ vào thị trường BĐS tuy đã được kìm hãm bằng những chính sách cụ thể, song, bằng nhiều cách khác nhau, cả về trực tiếp lẫn gián tiếp, nguồn vốn từ ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên, góp phần không nhỏ vào sự phục hồi của thị trường.

(Theo Đầu tư Bất động sản)
 
  • Facebook
  • Google