Nhà mặt bằng méo mó thì giếng trời nên đặt vào các góc méo và theo dạng
hành Hỏa (góc nhọn) nhằm tạo hình vuông vức cho nội thất. (Ảnh minh họa)
Khoa học phong thủy cho rằng, việc mở giếng trời không chỉ giúp thu vào nhiều ánh sáng mà còn lưu thông không khí tốt. Tức là cân bằng âm dương, khi mở giếng trời ở khoảng giữa là kích hoạt luồng khí cũng như tăng tính hoạt động của Trung Cung Dương Cơ. Trường hợp nhà không quá dài với diện tích nhỏ, đủ ánh sáng, không có những phòng bị kẹp giữa thì không nhất thiết phải mở giếng trời ở giữa mà chỉ cần tạo thông gió cho nóc buồng thang và thông thiên ở phía sau (kết hợp với sàn nước, hay sân phơi) là đủ.
Khi đó việc mở giếng trời thậm chí gây nên chói chang, đặc biệt là những hướng có ánh sáng mặt trời gay gắt (ngôn ngữ phong thuỷ gọi là gây ra mất cân bằng, tức Dương thịnh Âm suy).
Mặt khác, không gian giếng trời cũng nên là không gian sinh hoạt, chứ không chỉ là cái giếng hút khí đơn thuần. Giải pháp tối ưu là nên kết hợp giếng trời với hành lang để làm chỗ nghỉ ngơi thư giãn hoặc khoảng đặt cây xanh tạo không khí trong lành cho ngôi nhà.
Nếu nhà mặt bằng méo mó thì giếng trời nên đặt vào các góc méo và theo dạng hành Hỏa (góc nhọn) nhằm tạo hình vuông vức cho nội thất (Hỏa sinh Thổ). Đồng thời, giếng trời có thể kết hợp với ô trống giữa hay bên cạnh cầu thang để cần tiết kiệm diện tích khi cần thiết.
Tuy nhiên, so giếng trời độc lập, đây là cách làm không thông thoáng trực tiếp bằng, nhưng khi trên nóc thang có cửa trời dạng chéo (Hỏa sinh Thổ), thì khả năng luân chuyển nội khí rất tốt, đồng thời chủ nhà có thể trang trí vách cầu thang trở thành một trục nhấn cho ngôi nhà.
Lưu ý, khi mở giếng trời cần xem xét thực tế nhà nằm về phương hướng nào để bố trí mái che giếng trời có cấu tạo phù hợp để điều tiết ánh sáng cũng như chống mưa tạt nắng gắt vào trong nhà. Trường hợp giếng trời để trống hoàn toàn như một sân trời thì việc thu nước mưa và tạo sân vườn, xử lý tường bên hông, hay nền nhà… cần làm kỹ để tránh thấm dột và đạt hiệu quả sử dụng cao.