Đầu tư đất nền trong cơn sốt và 3 rủi ro cần lưu ý

08:13 AM 21/04/2018

Cơn sốt đất nền hiện đang lan rộng ở nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố có nhiều lợi thế về du lịch, những nơi sắp được trở thành đặc khu như Phú Quốc, Vân Đồn, hay Vân Phong.

Ngay cả ở những vùng đang nằm trong diện quy hoạch, đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông như các huyện vùng ven Sài Song và các cùng lân cận như Long Thành (Đồng Nai), Bình Dương, Long An, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… cũng đang nằm trong cơn sốt giá đất nền.

Trong quý đầu năm 2018, lượng mở bán nhà liền thổ và đất nền tại khu vực giáp ranh Sài Gòn như Long An, Đồng Nai lần lượt là 2.009 nền và 1.895 nền/nhà phố, theo thống kê của Hội môi giới BĐS Việt Nam.

Số liệu từ Hội môi giới cũng cho biết thêm: "Ba tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận giá nhà đất liền thổ tiếp tục tăng cao tại các huyện vùng ven Tp.HCM. Chẳng hạn ở Củ Chi, đất nền ở các tuyến đường, hẻm nhỏ có giá 10 – 12 triệu đồng/m2; các đường lớn tiếp giáp nội đô có giá 20 – 30 triệu đồng/m2; Tại huyện Bình Chánh, giá trung bình khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2; Tại huyện Cần Giờ, tại các đường nhỏ có mức giá 8 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường có hạ tầng, giao thông tốt, giá từ 15 – 18 triệu đồng/m2".

Tại buổi tọa đàm Đất nền sốt nóng, nhận diện cơ hội và rủi ro đầu tư diễn ra vào ngày 19/4, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, hiện cơn sốt đất nền chỉ đang diễn ra cục bộ tại một số địa phương chứ hiện tượng bong bóng thì chưa thể xảy ra. Do bị đầu nậu thổi giá nên giá đất nền tại nhiều khu vực đang tăng cao bất thường so với giá trị thực, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.

rủi ro trong cơn sốt đất.
Nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong cơn sốt đất.

Đồng thời, ông Đính cũng chỉ ra 3 rủi ro chính mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi đầu tư đất nền. Cụ thể:

Trước hết, trong khi hạ tầng chưa được đầu tư mà chỉ trong thời gian ngắn, giá đất nền tại một số khu vực đã liên tục tăng cao. Điều này khiến nhà đầu tư rất dễ mua phải những lô đất có giá cao hơn so với thực tế. Nguyên nhân là giá trị của đất thường đi theo hạ tầng. Mà trên thực tế, hạ tầng tại Phú Quốc hay Vân Đồn mới chỉ đang được đầu tư ở giai đoạn đầu, thậm chí, tại Vân Phong còn chưa có động tĩnh gì. Do đó, so với những khu đã có hạ tầng đầy đủ thì giá trị đất đai chưa thể cao bằng được.

Mua đất giá cao ngay khi hạ tầng chưa được đầu tư sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Không chỉ vậy, giá trị của sản phẩm lại luôn được các nhà đầu tư đẩy lên mạnh trong ngắn hạn nhằm mục đích bán lại cho người khác. Có thể cách làm này sẽ mang lại lợi nhuận trong giai đoạn đầu, song, lại tiềm ẩn vô vàn rủi ro cho những người đến sau.

Tiếp đến là sự rủi ro về vấn đề pháp lý, với những loại đất nằm trong diện bị nhà nước cấm giao dịch hoặc giao dịch không đúng quy định như các khu đất nông nghiệp, đất công, đất canh tác hay đất trồng cây lâu năm,… thì những rủi ro cao rất dễ xảy ra đối với các những nhà đầu tư "lướt sóng".

Rủi ro tiếp theo là về quy hoạch, hiện đất đai tại các đặc khu hầu hết đều chưa có quy hoạch rõ ràng, do đó, việc mua phải đất nằm trong diện giải tỏa, hoặc đền bù để thực hiện dự án là rất dễ xảy ra.

Riêng đối với các chủ đầu tư dự án sẽ phải gặp nhiều khó khăn hơn trong khâu thực hiện giải phóng mặt bằng, mức đền bù phải chịu cao hơn vì giá đất cao, chấp nhận các khoản chi phí cao hơn so với giá trị thực.

Còn với tình hình chung của thị trường, một khi giá cả bị đẩy lên mức quá xa so với giá trị thì nguy cơ bong bóng là có. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng khó khăn hơn trong công tác quản lý thị trường, trong việc thực hiện quy hoạch và đền bù.

Ngoài ra, một khi giá đất bị thổi lên mức quá cao, sẽ khiến cho hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại cũng bị giảm xuống. Trong khi nhà nước đang có cơ chế tạo thuận lợi cho các đặc khu nhằm thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Song, ông Đính cho biết: "Dù vậy, cũng phải chờ khi nào các doanh nghiệp mới thực sự đầu tư, vì khi đó giá đất mới phản ánh đúng giá trị".

Theo vị chuyên gia này, Chính quyền cũng cần phải có những biện pháp nhằm kiểm soát các hoạt động mua bán, các sàn giao dịch cũng như nhà môi giới không chuyên, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ. Bởi, hiện cơ chế quản lý đối với hoạt động này dường như vẫn đang bị buông lỏng.

Ông Đính chia sẻ thêm: "Luật quy định môi giới phải được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề tuy nhiên công tác quản lý của nhà nước hiện chưa mạnh, mặc dù nghị định 139 quy định xử phạt trong hoạt động bất động sản mới được ban hành. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công bố những thông tin quy hoạch dự án, thông tin giá thị trường sẽ giúp ngăn chặn được việc đầu cơ giá đất".

(Theo Trí thức trẻ)
 
  • Facebook
  • Google