BĐS Tp.HCM: Cần cẩn trọng với đất nền thanh lý "siêu rẻ"

08:06 AM 22/01/2018

Trước thềm năm mới Mậu Tuất, trên địa bàn Tp.HCM xuất hiện hàng loạt tờ rơi, panô quảng cáo đất nền được ngân hàng thanh lý với giá chỉ 250-319 triệu đồng.

Cầm trên tay tờ rơi quảng cáo về thông tin đất nền ngân hàng thanh lý cuối năm với giá 319-429 triệu đồng cho nền 72-132m2, tùy diện tích, bà Hoài (ngụ quận 7, Tp.HCM) liền gọi đến số điện thoại ghi tên tờ rơi để tìm hểu thêm thông tin. Bà được biết, đây là tài sản được nhà băng thanh lý với sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng ACB, trong thời gian tới 25 năm. Đất nằm ở gần vòng xoay An Lạc, gần ga metro 3A, thuộc dự án Khu dân cư An Lạc 2 (quận Bình Tân) được bán với giá 12-15 triệu đồng/m2 và chỉ cần thanh toán 40 - 50% giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, những nền đất này đều chưa hoàn chỉnh về mặt pháp lý vì chưa ra sổ.

Trước thắc mắc của người mua về việc tại sao là tài sản ngân hàng thanh lý mà pháp lý lại chưa đầy đủ thì môi giới giải thích, nếu đóng 95% giá trị nền đất thì trong vòng 7-15 ngày khách sẽ có sổ.

Bà Hoài vẫn không khỏi nghi ngại nói: “Tôi nghĩ đất ngân hàng thanh lý thì hồ sơ pháp lý đã sẵn sàng bày ra trước mắt. Đằng này môi giới bảo trả tiền trước, đợi pháp lý sau khiến tôi thấy lo nên không dám mua nữa dù cũng tiếc vì giá khá mềm”.

 tờ rơi quảng cáo bán đất nền do ngân hàng thanh lý.
Nội dung một tờ rơi quảng cáo bán đất nền do ngân hàng thanh lý. Ảnh: Trung Tín

Khi đọc thấy nội dung thanh lý đất nền của ngân hàng trên một tờ pano được treo ở gốc cây đường Nguyễn Công Trứ với giá 250 triệu đồng, thấy rẻ nên anh Thịnh, nhân viên văn phòng làm việc tại quận 1, Tp.HCM cũng đã liên lạc đến số điện thoại đi kèm. Anh được cò đất giới thiệu đây là những lô đất nằm trong dự án ở đường Hồ Học Lãm, thuộc quận Bình Tân, qua cầu Lò Gốm là đến.

Nhưng khi được hỏi về vấn đề pháp lý của lô đất, đất đã có sổ chưa thì anh Thịnh lại được môi giới  chuyển sang đề tài nên mua với mục đích đầu tư thì tốt hơn và không đả động gì đến vấn đề pháp lý. Cò đất nói: “Vị trí đất nằm ở khu vực đang nâng cấp làm đường 4 làn xe, nên mua sớm chắc chắn có lời, chỉ cần đóng 30-40% nhận nền”.

Mặc cho cò đất thao thao bất tuyệt về những vấn đề không liên quan, anh Thịnh vẫn kiên nhẫn để thuyết phục cò cho biết tên ngân hàng thanh lý tài sản và yêu cầu chụp hình sổ đỏ hoặc bản đồ phân lô gửi qua để anh tham khảo thêm. Nhưng nhân viên không xuất trình một vài cơ sở pháp lý liên quan đến nền đất, mà mời khách đến trực tiếp dự án để xem và giải thích thêm. Khi này anh Thịnh cảm thấy có vấn đề nên đã từ bỏ ý định mua mảnh đất thanh lý với già rẻ này. Anh nói: “Lẽ ra tài sản ngân hàng thanh lý thì khách hỏi pháp lý đến đâu phải trả lời rành mạch đến đó. Tôi thấy tư vấn lòng vòng quá nên từ bỏ ý định mua”.

Theo ghi nhận từ tình hình thực tế của phóng viên, trên khắp các quận huyện nội ngoại thành Sài Gòn,  tờ rơi và panô quảng cáo đất nền ngân hàng thanh lý xuất hiện tràn lan. Thông tin rao bán tài sản do nhà băng thanh lý xuất hiện khắp từ khu trung tâm quận 1 cho đến các quận xa hơn như quận 9, Bình Tân, Tân Phú…. Giá chào bán của các nền đất này đều siêu rẻ, chỉ bằng giá đất phân lô ở các tỉnh giáp ranh Sài Gòn. Song, pháp lý của các lô đất này đều ở diện chờ hoàn thiện và phải đóng tiền trước.

Một pano mini quảng cáo bán đất thanh lý
Một pano mini quảng cáo bán đất thanh lý của ngân hàng, nằm trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1),
vốn là tuyến phố tài chính Sài Gòn với rất nhiều trụ sở ngân hàng. Ảnh: Phương Đông

Một lãnh đạo của Ngân hàng Á Châu trong cuộc trao đổi với phóng viên đã cho biết, thông tin về tài sản ngân hàng thanh lý bao giờ cũng sẽ được đăng tải công khai, rộng rãi trên website và các phương tiện truyn thông. Còn những thông tin về tài sản thanh lý của ngân hàng này nọ ở các tờ rơi quảng cáo xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây đa phần chỉ là thông tin “mạo danh”.

Vị này nói: “Có thể các môi giới họ lấy danh nghĩa ngân hàng thanh lý tài sản để dễ tạo niềm tin cho người mua” và cho rằng, đây thực sự là điều vô cùng nguy hiểm, bởi, thương hiệu của ngân hàng đã bị đem ra để đánh lừa lòng tin của khách hàng. Hơn thế nữa, người mua cũng thường có suy nghĩ rằng, giá tài sản của ngân hàng thanh lý sẽ tốt hơn và cũng yên tâm hơn về mặt pháp lý. Và những lý do này đã bị những người bán lợi dụng để rao các thửa đất không rõ ràng về pháp lý, trong khi giá lại cao.

Trước thực trạng này, chuyên gia Nguyễn Tấn Phong, người đã có gần chục năm tư vấn pháp lý nhà đất tại Tp.HCM đã lên tiếng cảnh báo, những thông tin quảng cáo bán tài sản thanh lý ngân hàng được đăng trên các tờ rơi, panô quảng cáo trôi nổi nhiều khi là tài sản không rõ nguồn gốc, mập mờ về pháp lý. Vì vậy, khách mua cần phải hết sức cẩn thận để không bị mắc bẫy của cò đất.

Đồng thời, ông Phong cũng cho biết thêm, vấn đề pháp lý của một bất động sản được ngân hàng thẩm định cho vay bao giờ cũng đầy đủ và vững chắc. Bởi, ngành tài chính luôn có quy chế chặt chẽ, minh bạch về các thủ tục, thậm chí, còn có hẳn chứng thư thẩm định giá của tài sản.

Một khi ngân hàng thanh lý tài sản thì cũng có thứ tự ưu tiên rất rõ ràng. Trong đó, chủ nhà đất sẽ là nhóm được ưu tiên đầu tiên. Chủ của mảnh đất đó sẽ là đối tượng được ngân hàng thông báo về việc thanh toán nợ hoặc tất toán trước tiên. Nếu nợ quá hạn và đã nhiều lần nhắc nhở thì ngân hàng sẽ tính lãi, giảm lãi và vẫn đặc biệt ưu tiên cho khách vay được phép mua lại tài sản hoặc tự tìm cách thanh lý khối tài sản thế chấp đó.

Nếu khách vay không có đủ khả năng để thanh toán thì ngân hàng sẽ bắt đầu thực hiện các bước theo quy trình phát mãi tài sản như khởi kiện, định giá lại, đấu giá, thi hành án ... Song, khách vay vẫn là đối tượng được ưu tiên trước hết. Bởi, việc bảo đảm thu hồi được khoản nợ đã cho vay là mục đích cuối cùng của các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản.

Hiện tượng tờ rơi, ba nô quảng cáo nhà đất ngân hàng thanh lý đang xuất hiện tràn lan trên thị trường thực chất chỉ là chiêu câu khách đầy tinh xảo của môi giới nhằm gây được sự chú ý của khách hàng, ông Phong cho biết thêm.

Xuất phát từ tâm lý người dân luôn cho rằng cái gì thanh lý thì giá cũng rẻ, và một khi có ngân hàng hỗ trợ thì pháp lý đầy đủ nên môi giới đã lợi dụng thuật ngữ tài sản ngân hàng thanh lý để quảng bá sản phẩm. Nhưng sản phẩm này trên thực tế vẫn còn trong giai đoạn chờ pháp lý hoặc đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý. Từ đó, ông Phong đưa ra khuyến cáo:  “Vì vậy, người mua nếu không cẩn trọng, tìm hiểu kỹ càng có thể gặp rủi ro vì đất ham rẻ”.

(Theo Vnexpress)
 
  • Facebook
  • Google