BĐS sinh thái không phải là sân chơi dành cho doanh nghiệp nhỏ

04:13 PM 03/08/2017

Theo nhận định của các đơn vị nghiên cứu thị trường, chưa bao giờ bất động sản (BĐS) sinh thái là sân chơi chung dành cho các doanh nghiệp nhỏ, yếu về tiềm lực tài chính và thiếu kinh nghiệm khai thác, vận hành, quản lý.

Sự tăng trưởng của thu nhập bình quân cũng kéo theo sự gia tăng về các nhu cầu vui chơi, giải trí và du lịch. Đây được xem là cơ hội lớn để các doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực BĐS sinh thái. Nhưng để đầu tư một cách bài bản, không để khu du lịch sinh thái rơi vào tình trạng “chết yểu”, trở thành gánh nặng cho chủ đầu tư thì yêu cầu doanh nghiệp phải có quỹ đất lớn cùng nguồn tài chính mạnh.

Thị trường BĐS trước đó từng dậy sóng bởi thông tin VinGroup làm Khu du lịch sinh thái Cần Giờ quy mô 800ha với hàng nghìn tỷ đồng. VinGroup là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với nhiều dự án quy mô trải dài khắp từ Bắc tới Nam như: Dự án sinh thái tại đảo Vũ Yên ở Hải Phòng, khu du lịch Hải Giang ở TP. Quy Nhơn, Khu nghỉ dưỡng Vinpearl... Cùng với đó, sự góp mặt của một số doanh nghiệp tiềm lực khác như Tập đoàn T&T, SunGroup... cũng góp phần giúp thị trường BĐS sinh thái, nghỉ dưỡng trở nên sôi động hơn.

BĐS sinh thái
BĐS sinh thái chưa bao giờ là sân chơi dành cho các doanh nghiệp
có quy mô nhỏ. Ảnh minh họa

Dù vậy, theo các công ty nghiên cứu thị trường, BĐS sinh thái chưa bao giờ là sân chơi chung dành cho các doanh nghiệp nhỏ, yếu về tiềm lực tài chính và thiếu kinh nghiệm khai thác, vận hành cũng như quản lý. Hơn thế nữa, đầu tư khu du lịch sinh thái cũng không hề dễ dàng ngay từ khâu bắt đầu lập dự án, xin phép cơ quan chức năng cho đến thiết kế, thi công và đảm bảo hài hòa với cảnh quan cũng như môi trường xung quanh. Không chỉ vậy, tâm lý bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc trong thời gian dài cũng khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với loại hình kinh doanh này.

Thực tế đã có không ít doanh nghiệp địa ốc đã phải nếm “trái đắng” khi rót tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Thậm chí, có nhiều dự án lập quy hoạch treo sau nhiều năm với vài ba lần thay đổi chủ đầu tư nhưng vẫn bất động. Đơn cử như dự án Công viên Safari với quy mô gần 500 ha ở huyện Củ Chi, Tp.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD, được phê duyệt tới nay đã 13 năm nhưng vẫn ở trong tình trạng “đắp chiếu” vì chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm và yếu về năng lực. Cùng chung số phận, dự án Happy Land ở Long An, theo như dự kiến đã được đưa vào khai thác từ vài năm trước, nhưng giấc mơ về một khu vui chơi giải trí kết hợp sinh thái hoành tráng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Thị trường Công ty CBRE cho biết, BĐS sinh thái tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia làm được, bởi, cần một nguồn vốn lớn, nhiều kinh nghiệm nhưng khả năng thu hồi vốn lại chậm. Ngay cả các nhà đầu tư ngoại cũng khá e dè và thận trọng trong lĩnh vực đầu tư này. Nguyên nhân ở đây không phải vì do họ thiếu vốn hay kinh nghiệm, mà vì thủ tục đầu tư khó khăn, tính chất pháp lý còn khá phức tạp và việc đo lường mức độ sinh lời cũng khó khăn hơn so với những phân khúc khác như văn phòng, khách sạn, hay nhà ở.

Có nhiều khu du lịch sinh thái sau khi đi vào hoạt động vài ba năm đầu đã liên tục báo lỗ do chưa thu hút được nguồn khách ổn định, cho mãi đến 5-7 năm sau mới bắt đầu thu hồi được vốn. Đó là còn chưa kể các chủ đầu tư cần phải có một nguồn kinh phí để thường xuyên tu bổ cho khu du lịch sinh thái không bị rơi vào tình trạng xuống cấp, bà Dung phân tích.

(Theo Thời báo Ngân hàng)
 
  • Facebook
  • Google