Dưới đây là chia sẻ của anh Phúc (32 tuổi, Hà Nội) về những thay đổi trong lối sống của mình từ khi vay số tiền lớn để mua nhà ở:
Dù số tiền tích lũy không nhiều, nhưng năm ngoái vợ chồng tôi vẫn quyết tâm mua nhà sau 7 năm sống trong cảnh thuê trọ. Căn hộ của chúng tôi nằm trong một dự án chung cư xây mới ở huyện Hoài Đức, không quá xa so với trung tâm thành phố.
Tổng thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi nằm trong khoảng 20 triệu đồng. Sau khi chi cho các khoản sinh hoạt phí hàng ngày cùng tiền thuê nhà và tiền học của con thì hầu như không còn dư được bao nhiêu.
Không chỉ vậy, tính tôi quảng giao nên nhiều bạn bè, tháng nào cũng ít nhất 3-4 bận giao lưu, nhậu nhẹt. Sau khi ăn uống lại hát hò tăng 2 nên chuyện tôi vắng nhà vào buổi tối, thậm chí, 2-3h sáng mới về là không hiếm. Cũng có tháng tôi kiếm thêm được 2-3 triệu nhưng lại bỏ hết vào khoản tụ tập bạn bè.
|
Góc nhỏ với những chậu cây xanh nơi ban công nhà anh Phúc. Ảnh: PT. |
Khi thấy bạn bè, đồng nghiệp xung quanh mình đều có nơi ở ổn định, tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột trước cảnh đi thuê của mình. Lúc này, tôi liền bàn với vợ mua trả góp và được cô ấy ủng hộ ngay.
Sau khi tìm hiểu nhiều dự án, vợ chồng tôi quyết định mua một căn hộ hơn 60m2, nằm ở vùng ngoại thành với giá 1,1 tỷ đồng, dù số tiền sẵn có chỉ gần 200 triệu. Khi mua nhà, bố mẹ hai bên cũng cho chúng tôi một khoản, cộng với mượn anh em, bạn bè, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng 500 triệu, trong thời gian 15 năm. Số tiền này đối với vợ chồng tôi thực sự là một khoản nợ khổng lồ, song, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng để có được chốn đi về ổn định.
Chưa hết, tôi còn phải vay thêm một khoản tiêu dùng 70 triệu và nợ thẻ tín dụng 50 triệu để mua sắm đồ nội thất sau khi chuyển vào ở.
Kể từ ngày có nhà mới, toàn bộ tiền lương của tôi chỉ để trả nợ, còn tiền lương của vợ tôi dùng để chi trả mọi chi tiêu trong gia đình và đóng học cho con. Sau mỗi kỳ nhận lương, tôi đều phải bỏ ra 11 triệu đồng để trả nợ nên cả tháng tôi chỉ 1 triệu để chi tiêu cá nhân. Điều này khiến tôi không thể xài sang, hay thoáng tay với bạn bè như trước được. Thậm chí, có những tháng tôi còn phải đi vay mượn hoặc làm thêm vì có những khoản chi phí phát sinh như ma chay cưới hỏi, thăm người ốm... Trong ví của tôi không bao giờ dám để nhiều tiền, chỉ có 100.000 nghìn là cao, vì tôi sợ để nhiều lại tiêu nhiều, lạm vào tiền trả nợ mua nhà.
Thói quen tụ tập, nhậu nhẹt của tôi cũng giảm dần và gần như bỏ hẳn vì nhà ở xa trung tâm, cũng phần vì ví tiền luôn rỗng. Tuy có ngại vì nhiều lần từ chối bạn bè, song, tôi không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Câu nói nửa đùa nửa thật: "Tôi hết tiền rồi, ông nào chiêu đãi thì tôi đi, không tôi xin kiếu" được tôi sử dụng nhiều lần. Với những trường hợp bất khả kháng, tôi cũng chỉ tham gia đến 7-8h tối là về vì không muốn sa đà và cũng vì sợ đi đường xa, gặp nguy hiểm sẽ làm khổ cả nhà. Với những người hiểu thì cảm thông, động viên tôi, nhưng cũng có không có ít người buông lời khích bác, nói này kia, nhưng tôi bỏ ngoài tai hết.
Mọi khoản chi tiêu trong nhà đều được vợ chồng tôi siết chặt và cắt giảm đến tối đa nhất. Thói quen đi du lịch hè hàng năm của cả gia đình cũng bị bỏ. Chúng tôi thường cho con đến các khu vui chơi miễn phí, hay bể bơi giá rẻ vào dịp cuối tuần. Số lần về quê cũng giảm xuống, vì hai vợ chồng tôi đều ở miền Trung, mỗi lần đi lại cũng tốn cả tiền triệu.
Dù thắt chặt chi tiêu nhưng vợ chồng tôi không hề tiết kiệm trong việc ăn uống để đảm bảo sức khỏe. Song, thay vì mua đồ tại Hà Nội, chúng tôi lại nhờ ông bà bà nội ngoại gửi thực phẩm tươi từ quê ra như thịt, cua, cá, rau quả... đều đặn mỗi tháng vài lần. Thực phẩm quê giá vừa rẻ lại vừa đảm bảo về độ sạch.
Khoản nợ gần tỷ đồng từ việc mua nhà thực sự khiến chúng tôi không khỏi căng thẳng, thậm chí, dù con gái đầu đã gần 7 tuổi nhưng chúng tôi vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện sinh thêm bé thứ 2. Song, vợ chồng tôi sau 8 năm cưới nhau cũng đã có được một tổ ấm thực sự, có một nơi để muốn trở về sau ngày dài mệt mỏi, nơi để chúng tôi cùng nhau chăm chút cho từng góc nhỏ.
Bữa cơm gia đình cũng thêm phần đầm ấm hơn vì ngày nào cũng có bố tham gia. Thay vì tụ tập với bạn bè như trước, tôi sử dụng thời gian đó để chơi với con, hướng dẫn con học bài, cùng vợ nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cho không gian sống của mình. Chính vì cuộc sống lành mạnh, ít rượu chè nên cơ thể của tôi cũng khỏe hơn, những cuộc cãi vã của vợ chồng cũng giảm xuống hẳn.
Mục tiêu hiện giờ của vợ chồng tôi là cố gắng tăng thu nhập để nhanh chóng trả hết nợ, để cuộc sống của con cái được thoải mái hơn.
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (Tp.HCM) cho rằng, việc mua nhà bằng khoản vay quá lớn thường sẽ tạo nên áp lực, căng thẳng, song, nó cũng là động lực tốt trong một số trường hợp, giúp người ta thay đổi lối sống và phấn đấu cho tương lai.
Trường hợp như gia đình anh Phúc là rất đáng học hỏi. Bởi, anh chị đã cắt giảm mọi khoản chi không quan trọng để ưu tiên cho việc trả nợ. Song, việc thắt chặt quá mức nhiều khi cũng dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, dễ rơi vào stress, khiến chất lượng cuộc sống bị giảm xuống. Do đó, phương án tốt hơn là nên tìm cách để tăng thu nhập, giải quyết món nợ và đừng quá thắt chặt chi tiêu, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Với một số trường hợp, việc cố gắng vay mua nhà trở thành động lực giúp họ thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn, song, theo chuyên gia Bội Lê, cần phải tính đến phương án an toàn, đồng thời, cố gắng giữ một khoản dự phòng trước khi vay mua nhà trong dài hạn. Điều này giúp tránh những rủi ro có thể gặp phải từ việc lãi suất tăng hoặc có những việc phát sinh trong gia đình.