Người mua cần lưu ý gì khi mua nhà 'ba chung' lập vi bằng?

04:07 PM 31/10/2017

Thời gian gần đây, tại huyện Hóc Môn xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay bằng hình thức lập vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại. Đây là những căn nhà kiểu “ba chung”, tức chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà.

Theo các chuyên gia ngành luật, kiểu mua bán như trên là chưa đúng quy định và chưa đầy đủ cơ sở pháp lý. Chưa kể, còn có những trường hợp chủ sở hữu tài sản đã đem tài sản đến ngân hàng thế chấp, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác bằng giấy tay nhưng tuy nhiên vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất. Điều này khiến tranh chấp nảy sinh, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, đồng thời gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân.

Theo quy định của luật hiện hành, vi bằng là để chỉ loại văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Loại văn bẳn này được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Bên cạnh đó, vi bằng cũng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định. Người dân cần lưu ý, loại văn bản này không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Điều này cũng có nghĩa, vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua. Luật có nêu: "Vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án và các quan hệ pháp lý khác, dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra".

mua nhà qua vi bằng
Trước khi giao dịch nhà đất, đặc biệt là loại nhà "ba chung" thông qua hình thức lập vi bằng
người dân cần đến cơ quan chức năng tìm hiểu rõ thông tin. Ảnh minh họa

Do đó, người mua nhà cần lưu ý, việc mua bán chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Các loại văn bản, hợp đồng này phải có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau đó, giấy tờ sẽ được đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện.

Việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng có thể dẫn đến nguy cơ rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, nhất là bên mua. Theo ghi nhận từ thực tế, thời gian qua xuất hiện một số môi giới bất động sản (cò đất) cố ý dùng thuật ngữ “vi bằng công chứng Thừa phát lại”, hoặc “công chứng Thừa phát lại” để tư vấn cho khách hàng của mình nhằm trục lợi. Người dân cần biết, những cụm từ này không phải là một thuật ngữ pháp lý, thực chất là một cách dùng từ sai và tùy tiện của một số môi giới bất động sản. Mục đích dùng các thuật ngữ này là nhằm thuyết phục khách hàng rằng đã có sự đảm bảo về mặt pháp lý của giao dịch bất động sản mà họ tham gia.

Trước tình trạng sử dụng thuật ngữ sai và tùy tiện của một số môi giới, và thực tế đã có một số người dân phản ánh bị lừa đảo mua bán nhà đất, UBND huyện Hóc Môn khuyến cáo: "Người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã, thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị huyện để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của luật Nhà ở, luật Đất đai tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này".

(Theo Thanh niên Online)
 
  • Facebook
  • Google