Những thay đổi trong chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

11:31 AM 25/03/2015

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Hiện dự thảo đang được xin ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ ban hành.

nhà ở xã hội
Khu nhà ở xã hội do Viglacera đầu tư xây dựng tại KĐT Đặng Xá

Dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

Dự thảo Nghị định cho biết, ở các đô thị (từ loại đặc biệt cho đến loại III) trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội và chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, quy mô diện tích đất của từng dự án phát triển nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để giao cho các chủ đầu tư.

Diện tích đất và các thông tin về khu vực cũng như địa điểm dành để phát triển nhà ở xã hội phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh.

Trong đó, quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án đầu tư phát triển đô thị thực hiện như sau: Các chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT và hình thức BOT) tại các đô thị từ loại III trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại và dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án).

Trong trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì ngoài hình thức dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển giao để nhà nước sử dụng làm nhà ở xã hội hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo khung giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, nhằm bổ sung vào Quỹ phát triển nhà ở của địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Quy định tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội 

Thực tế cho thấy, hiện nay nhu cầu của người dân mua nhà ở xã hội ngày một tăng cao. Vì thế các yếu tố về diện tích, thiết kế nhà ở xã hội làm sao đáp ứng nhu cầu ở của người dân khi mua nhà cũng cần được quan tâm thích đáng. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định rõ, nếu nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế và xây dựng theo kiểu khép kín, phải bảo đảm tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn xây dựng. Ngoài ra, tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2 sàn và tối đa không quá 90m2 sàn, để bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, tỷ lệ số căn hộ trong dự án phát triển nhà ở xã hội có diện tích sàn từ 25m2 đến dưới 30m2 và từ trên 70m2 đến dưới 90m2 không quá 20% tổng số căn hộ.

Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 90m2, cùng hệ số sử dụng đất không vượt quá 2,0 lần và phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Không quá 10% tổng số căn nhà là tỷ lệ số căn nhà ở xã hội liền kề thấp tầng trong dự án phát triển nhà ở xã hội có diện tích đất xây dựng từ 70m2 đến dưới 90m2.

Riêng đối với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội liền kề thấp tầng thì phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Dự án phát triển nhà ở xã hội tại các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II thì UBND cấp tỉnh trước khi chấp thuận có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.

Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hải Dương, ông Phạm Viết Nhanh cho biết: “Theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP có 12 đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nhà nước đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư nhà ở xã hội, do đó nhà đầu tư có thể bán cho tất cả các đối tượng thuộc phạm vi mình quản lý. Trong khi đối tượng nhiều như vậy mà nhà quản lý khóa cứng diện tích căn hộ thì bất lợi cho nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của các đối tượng mua nhà là rất lớn, vì thế nếu chúng ta linh động để phục vụ đúng đối tượng thì sẽ tạo hiệu quả. Trước đây, tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2, lớn nhất là 70m2 thì căn hộ này quá lớn đối với những người đơn thân, do đó diện tích 25m2 là phù hợp. Còn đối với hộ gia đình có nhiều thế hệ thì diện tích 90m2 sẽ đáp ứng được nhu cầu của họ”.

(Theo Báo Xây dựng Online)
 
  • Facebook
  • Google