Bảo lãnh ngân hàng cho BĐS là điều cần phải có trong điều kiện thị trường đang
thừa nguồn cung như hiện nay
Tránh rủi ro cho khách hàng
Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty CP Đầu tư dầu khí Toàn Cầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp là chủ đầu tư dự án sắp có sản phẩm bán ra thị trường đúng lúc Luật này có hiệu lực đã liên hệ tới các ngân hàng để tìm hiểu thông tin. Được biết, phía các ngân hàng được liên hệ chưa đưa ra được con số cụ thể nhưng xác nhận mức phí bảo lãnh sẽ dao động ở mức từ 1-2% tổng mức đầu tư của cả dự án. Do đó, nếu phí bảo lãnh ở mức 2%, tương ứng mỗi mét vuông căn hộ sẽ tăng khoảng 600 nghìn đồng. Vậy nếu giá định bán ra là 30 triệu đ/m2 thì sẽ phải bán giá 30,6 triệu đ/m2, ông Hiệp cho biết.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung cho biết, khi phí bảo lãnh cao thì các nhà đầu tư sẽ phân bổ chi phí này vào giá thành của sản phẩm và người mua nhà sẽ chịu chi phí này.
Anh Nguyễn Tấn Hùng, một khách hàng đang có nhu cầu mua nhà bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định này. Anh chia sẻ, mặc dù giá nhà có tăng thêm nhưng được đảm bảo an toàn cũng không sao. Điều này cũng giống với hình thức mua bảo hiểm, tôi hoàn toàn tán thành. Hiện tại các nươc phát triển, khi thực hiện các giao dịch BĐS, khách hàng thường tìm đến dịch vụ tư vấn và đồng ý chi trả khoản tiền nhất định cho luật sư để có sự đảm bảo về pháp lý tránh rủi ro. Nếu như ngân hàng bảo lãnh được rủi ro này thì cũng có thể là người mua bớt được một khâu tư vấn, cũng như bớt được thời gian và chi phí cho dịch vụ đó.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay: Có thể khẳng định, đây là một điểm siết cần phải có trong điều kiện thị trường BĐS đang thừa nguồn cung như hiện nay. Một số ý kiến cho rằng điều này làm khó chủ đầu tư nhưng không đúng như vậy. Bởi vì, khi thực hiện quy định này sẽ hạn chế nhà đầu tư yếu kém không đủ năng lực, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được mua sản phẩm có bảo lãnh, nhằm giảm nguồn cung ảo trong khi hàng tồn kho hiện nay còn lớn. Đối với các chủ đầu tư uy tín thì các ngân hàng rất sẵn sàng hợp tác vì bảo lãnh khác với đặt cọc. Bởi đặt cọc là doanh nghiệp phải đóng băng một cục tiền vào ngân hàng nhưng bảo lãnh thì chỉ cần trả phí cho ngân hàng.Ông Nam cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp và người dân nên quen dần với việc trả phí cho dịch vụ để được hưởng những tư vấn tốt nhất về pháp lý tránh rủi ro như bảo lãnh ngân hàng hay thuê luật sư.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Trên thực tế, tầm 3 - 5 tháng trước khi Luật Kinh doanh BĐS mới có hiệu lực thì đã có nhiều dự án được ngân hàng bảo lãnh tiến độ và chủ đầu tư đã có cơ sở để cam kết với khách mua nhà, hơn nữa đã đưa các điều khoản về chậm tiến độ vào hợp đồng mua bán như Ngân hàng Indovina bảo lãnh dự án chung cư 89 Phùng Hưng, dự án Goldmark City được Ngân hàng Maritime Bank bảo lãnh...
Điều đáng quan tâm là có những khách hàng họ không cần bảo lãnh ngân hàng mà vẫn tin tưởng vào năng lực chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng mong chờ Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS mới ra đời sẽ có quy định cụ thể và có tính toán sao cho phí bảo lãnh không quá lớn làm cho giá thành BĐS đội lên, điều đó sẽ gây bất ổn cho thị trường, ngoài ra còn tránh nguy cơ khoản phí này có thể trở thành gánh nặng cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần phân loại các dự án bắt buộc phải mua bảo lãnh, lí do là không nên đánh đồng các chủ đầu tư uy tín và năng lực tài chính lớn với các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường BĐS.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu bày tỏ quan điểm, cần có những hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn để có thể phân loại rạch ròi, minh bạch những doanh nghiệp nào bắt buộc phải thực hiện quy định bảo lãnh, những doanh nghiệp nào không cần phải bảo lãnh. Bao gồm, thứ nhất đối với những doanh nghiệp đã có quá khứ “đen” với khách hàng như giao nhà chậm, hoặc sử dụng vốn sai mục đích cam kết… mặc dù đã khắc phục được lỗi lầm nhưng khách hàng cũng vẫn không tin họ. Do đó những doanh nghiệp này bắt buộc phải đóng bảo lãnh khi tiến hành những sản phẩm mới, nhằm lấy lại lòng tin từ "Thượng đế". Thứ hai, đối với những doanh nghiệp mới ra đời trên thị trường chưa biết năng lực thế nào, cũng rất cần chế định bảo lãnh. Cuối cùng là các doanh nghiệp hoạt động làng nhàng, người mua không hoàn toàn tin tưởng, khách hàng sẽ chọn sản phẩm của doanh nghiệp khác nếu như không được bảo lãnh của ngân hàng.
Ông Châu chia sẻ, "Đây là 3 trường hợp doanh nghiệp rất cần và bắt buộc phải thực hiện quy định bảo lãnh, không nên vì tâm lý “con sâu làm rầu nồi canh” mà bắt tất cả các doanh nghiệp BĐS đều phải thực hiện chế định bảo lãnh. Đồng thời, tôi mong rằng khi hướng dẫn thực hiện, nhà hoạch định chính sách có thể lưu ý những điểm này, khiến quy định hợp tình hợp lý. Còn vấn đề làm sao để biết được đơn vị nào đàng hoàng, đơn vị nào uy tín thì có thể để thị trường quyết định. Một khi khách hàng nhận thấy doanh nghiệp BĐS không đủ uy tín hoặc không có bảo lãnh, lúc đó họ sẽ tự quyết định không mua sản phẩm của doanh nghiệp ấy”.